“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” – cuốn sách giúp chúng ta hiểu rằng: “Đừng trốn tránh, hãy đối diện với những cảm xúc thực tế của chính mình; Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước”.
Nhà xuất bản Thanh Niên và 1980 Books vừa ra mắt cuốn sách Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý (Counseling for Toads: A Psychological Adventure) của tác giả Robert de Board. Cuốn sách tổng hợp các bài giảng của tác giả Robert de Board về chủ đề tham vấn tâm lý tại ĐH Quản trị Henley. Nội dung sách được chắt lọc từ những nghiên cứu mà ông đã rút ra từ thực tế, trở thành tài liệu sơ lược cho những người đang tìm hiểu, nghiên cứu về bệnh trầm cảm, chữa lành.
Điểm đặc biệt của cuốn sách đến từ cách diễn đạt độc đáo. Tác giả đã sử dụng các nhân vật trong tác phẩm Gió qua rặng liễu của nhà văn Mỹ Kenneth Grabam như bác Lửng, Chuột Nước, Chuột Chũi và sáng tạo nên một nhân vật mới, ông Diệc, người tham vấn đồng thời cũng là nhân vật đại diện cho chính tác giả, để dẫn dắt người đọc bằng lối kể chuyện hấp dẫn của mình.
Vai trò của ông Diệc trong câu chuyện là thay những con vật ở bờ sông giúp đỡ người bạn không may của họ là Cóc đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Qua đó, trải nghiệm tham vấn tâm lý của Cóc cũng sẽ thu hút trí tưởng tượng của lượng lớn độc giả đang gặp phải những phiền muộn, bế tắc trong cuộc sống và muốn tìm một lối đi đúng. Khi độc giả dần hiểu hơn về Cóc, họ cũng có thể thấu hiểu bản thân hơn, đồng thời được thôi thúc để bước lên con đường cải thiện và phát triển về mặt tâm lý.
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rằng: Đừng trốn tránh, hãy đối diện với những cảm xúc thực tế của chính mình; Đừng tự phán xét, hãy yêu thương bản thân trước, có như vậy mới yêu thương được người khác; Tất cả những gì tạo nên hạnh phúc và bất hạnh của bạn ở hiện tại đều đến từ quá khứ và thuở ấu thơ, bởi thế, hãy nhìn thấu bản thân bằng cách hiểu rõ về quá khứ của chính mình; Thay vì đổ lỗi, hãy chịu trách nhiệm.
Một số trích dẫn tâm đắc trong cuốn sách “Điều này có thể hơi thẳng thắn, nhưng Cóc à, chỉ có cậu mới giúp được bản thân cậu thôi. Có rất nhiều câu hỏi mà cậu nên cân nhắc. Ví dụ như Cậu có thể ngưng phán xét bản thân không?, Cậu có thể trở nên tử tế hơn với chính mình không?, và có lẽ câu hỏi quan trọng nhất trong số ấy là Cậu có thể yêu thương bản thân mình không?”. “Chà,” ông Diệc lên tiếng. “Tôi nghĩ sẽ có ích nếu cậu thực sự suy nghĩ về nó. Suy cho cùng, cậu cũng đã đồng ý rằng đây là một trong những cảm xúc cơ bản mà tất cả chúng ta đều có khi vừa mới được sinh ra…” “Chẳng có sự chỉ trích nào nặng nề hơn sự tự chỉ trích, và cũng chẳng có vị Thẩm phán nào khắc nghiệt hơn chính chúng ta,” ông Diệc đáp lời. “Trời đất,” chàng Cóc kêu lên. “Ý ông là chúng ta có thể tự trừng phạt bản thân sao?” “Nặng nề là đằng khác,” ông Diệc đáp. “Bao gồm cả tra tấn và trong một vài trường hợp nghiêm trọng là tử hình. Nhưng vấn đề ở đây là, cho dù mức án có nhẹ đi chăng nữa, nó cũng có thể kéo dài cả đời”. |
Tình Lê
Xuất bản cuốn thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ
Là câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể, ‘Mahabharata’ từ lâu vẫn giữ vị trí tác phẩm kinh điển quan trọng trong văn hóa Ấn Độ giáo.