Vì muốn biết thêm về công việc con làm, bà Cho Mi-hak, 66 tuổi, lén nhìn điện thoại của con và giật mình khi không thể hiểu được từ nào.
“Trời ạ, tôi không thể hiểu nổi một vài tin nhắn chứa toàn từ lạ, dường như là từ viết tắt hoặc từ kết hợp giữa tiếng Anh và tiếng Hàn”, bà Cho Mi-hak chia sẻ.
Các từ ngữ mà bà Cho đề cập được gọi là Konglish, từ được pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Hàn, phổ biến với thế hệ trẻ Hàn Quốc, song phần đông người lớn không thể hiểu nghĩa.
Sau khi tìm hiểu, bà Cho phát hiện ra “Bepu” nghĩa là “bạn tốt nhất”, “Ah-Ah” là cà phê Americano có đá, “Inssa” là người trong cuộc và trái nghĩa là “Assa” – người ngoài cuộc. Phần lớn các từ ngữ con trai bà sử dụng là Konglish, pha trộn giữa tiếng Hàn và Anh, phổ biến với giới trẻ nhưng người lớn không thể hiểu được.
Với thế hệ lớn tuổi Hàn Quốc, những từ ngữ pha trộn Anh – Hàn như vậy thể hiện cho sự hủy hoại tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ họ coi là niềm tự hào dân tộc.
Với suy nghĩ rằng tiếng Hàn là một trong những yếu tố chính cho sức mạnh mềm ngày càng gia tăng của đất nước, chính phủ Hàn Quốc đã cam kết sẽ hành động về việc sử dụng ngôn ngữ pha trộn.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum, trong lễ kỷ niệm 575 năm ra đời chữ Hàn Quốc, đã cam kết chính phủ sẽ đi đầu giải quyết tình trạng chêm tiếng nước ngoài vào tiếng mẹ đẻ.
“Nếu không có chữ Hàn Quốc, đất nước không thể vươn lên danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới và phát triển thành cường quốc kỹ thuật số. Cũng nhờ tiếng Hàn Quốc mà K-pop và văn hóa Hàn đã trở thành niềm yêu thích của người dân khắp thế giới. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực giảm sử dụng các từ nước ngoài và chuyển chúng thành từ thuần Hàn dễ hiểu”, Thủ tướng Kim nói.
Sự xuất hiện của các từ Konglish ngày càng nhiều gây ra bất đồng ở Hàn Quốc, đặc biệt là sự không đồng tình của thế hệ lớn tuổi. “Nhiều người trẻ bỏ qua các quy tắc chính tả và sử dụng tiếng lóng mới theo ý thích. Vậy còn ý nghĩa gì khi ngày kỷ niệm tiếng Hàn ra đời được tổ chức như một ngày lễ quốc gia?”, No Bo-kyun, 69 tuổi, phàn nàn.
Không chỉ người cao tuổi, nhiều người trẻ Hàn Quốc cũng không thể hiểu các từ Konglish. “Tôi mới ngoài 20 nhưng đôi khi không thể bắt kịp lứa thanh thiếu niên đang nói gì”, Hyun Ye-rim, 24 tuổi, cho biết.
“Giới trẻ nghĩ dùng Konglish là vui, là thú vị, nhưng thật tiếc khi họ dùng những từ chêm tiếng Anh vô nghĩa hoặc không chính xác, thay vì những từ thuần Hàn đẹp đẽ”, Kim Seoncheol, từ Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, nhận định.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)