Ô tô dưới 9 chỗ muốn vào nội đô Hà Nội sẽ phải bỏ ra tới 60 nghìn đồng cho mỗi lượt. Mức thu mới được Sở GTVT công bố khiến nhiều người dân và cánh tài xế “lè lưỡi, lắc đầu”.
Xe con sẽ phải chi tới 60 nghìn đồng cho mỗi lượt vào nội đô
Đề xuất xây dựng 87 trạm thu phí với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường của Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa hết nóng thì hôm nay, thông tin về mức thu phí dự kiến đối với ô tô vào nội đô được công bố khiến nhiều người dân không khỏi giật mình.
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), mức giá dự kiến thu đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) tại các trạm thu phí từ 25.000đ – 60.000đ/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000đ – 40.000đ/lượt.
Thời gian thu là từ 5h-21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30). Theo đề xuất, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện từ năm 2025.
Từ năm 2025, xe ô tô khi “băng qua” vành đai 3 có thể phải trả 25-60 nghìn tiền phí. |
Báo cáo Đề án của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng nêu rõ, đây là loại phí đặc thù mang tính điều tiết, áp dụng để không khuyến khích phương tiện giao thông cơ giới cá nhân hoạt động tại khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, hay thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Đối tượng chịu phí của Đề án này chủ yếu là các xe ô tô cá nhân di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí (trong vành đai 3) nhằm hạn chế số lượng phương tiện, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện đi lại để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Đơn vị nghiên cứu nhận định, đối với phương án thu phí, cần ưu tiên xe taxi theo quan điểm ưu tiên do taxi là phương thức vận tải bán công cộng, xe tải được quản lý theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 02/10/2020 của UBND TP sẽ không chịu phí hoặc với mức phí thấp.
Một điểm đáng chú ý, xe ô tô khách thương mại dù có tác dụng vận chuyển tập trung nhiều người dân cùng lúc, nhưng vẫn sẽ bị áp dụng thu phí, nhưng theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân. Ngoài ra, xe ô tô của người dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực thu phí có chính sách miễn giảm.
Đối tượng miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe quân đội,…); xe công vụ; xe buýt công cộng. Mặc dù được miễn phí nhưng các loại xe này vẫn phải đăng ký trong hệ thống, được lắp thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ô tô cùng chủng loại những vẫn phải chịu phí.
Người dân kêu đắt
Trao đổi nhanh của VietNamNet với một số người dân thường xuyên đi lại bằng ô tô vào khu vực trung tâm cho thấy, đa số cho rằng mức thu phí như trên là quá cao.
Anh Lê Khắc Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, mức phí từ 25-60 nghìn/lượt để ô tô con được vào khu vực nội đô còn cao hơn nhiều trạm BOT mà chưa biết có đỡ tắc đường hơn hay không. Điều này sẽ làm khó lái xe bởi lẽ nhiều người do đặc thù nơi ở, nơi làm việc có thể qua lại trong-ngoài vành đai 3 cả chục lần mỗi ngày.
“Do công việc nên tôi buộc phải sử dụng ô tô cá nhân và đi lại trong thành phố. Với mức thu phí trên, tính nhanh mỗi tháng tôi sẽ phải mất thêm 3-4 triệu cho việc đi lại. Giờ đi ô tô đã trăm thứ tiền đổ lên đầu, sắp tới thêm tiền này nữa thì chắc chỉ có nước bán xe”, anh Tuấn nói.
Chia sẻ về trường hợp thực tế của mình, anh Đinh Mạnh Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà anh nằm trên đường Khuất Duy Tiến (là tuyến đường vành đai 3). Đây là đường một chiều nên việc vào-ra ranh giới vành đai là thường xuyên. Nếu áp mức thu trên, thì dù xe của anh không đi vào nội đô cũng vẫn mất tiền.
“Theo tôi cần có chính sách miễn phí cho cả những khu vực lân cận vành đai 3 chứ không nên quy định cứng nhắc cứ đi qua chốt là mất tiền. Ngoài ra, nếu áp dụng từ 5-21h thì quá rộng, chẳng khác nào thu tiền cả ngày.”, anh Dũng bày tỏ quan điểm.
Anh Phan Bá Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận định: “Phương án này sẽ giảm được những người lái ô tô lang thang, không mục đích, nhưng số này rất ít. Với người đi làm, đi công việc thì họ vẫn phải qua dù có mất phí cao. Như vây là gây áp lực kinh tế cho người lao động bởi họ gần như không có nhiều lựa chọn khác”.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Hoàng Văn Phú, đang làm nghề lái xe taxi công nghệ chia sẻ: “Lái xe như chúng tôi thu nhập chẳng được bao nhiêu. Với mức phí trên kể cả khi được giảm giá thì cũng vẫn là quá cao và tiền này không biết ai sẽ chi trả. Nên chăng thu theo quãng đường di chuyển thực tế trong nội đô thay vì cứ đi qua trạm là mất tiền”.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia kinh tế – Thạc sĩ Nguyễn Văn Phương cho rằng, tuy đối tượng tác động trực tiếp của đề xuất này là người sử dụng ô tô cá nhân di chuyển vào nội đô. Tuy vậy, có thể thấy không ít thành phần khác cũng ảnh hưởng.
“Số tiền để ra-vào nội đô là rất đáng kể, không chỉ người lao động và doanh nghiệp phải gánh mà chi phí này còn được cộng vào chi phí sản xuất, kinh doanh khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng lên, giá cả thị trường đắt đỏ hơn. Khi đó, sự ảnh hưởng đến cả nền kinh tế là không thể tránh khỏi.”, ông Phương phân tích.
Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, đơn vị tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Đơn vị tư vấn đề xuất thời gian thu phí xe vào nội thành từ 5h đến 21h, mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm sẽ có sự khác biệt. Dự trù tổng kinh phí đầu tư xây dự 87 trạm thu phí là trên 2.646 tỷ đồng, trong số này, chi phí thiết bị “ngốn” nhiều vốn nhất khi chiếm tới 2.155 tỷ đồng. Các chi phí còn lại bao gồm xây dựng, quản lý, chi phí dự phòng và chi phí khác.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô có chấm dứt được tắc đường?
Việc đặt các trạm thu phí, hạn chế ô tô đi vào khu vực trung tâm Hà Nội được cho là sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông. Thế nhưng, đây có phải bước đi đúng đắn để giải quyết tận gốc vấn nạn tắc đường?