MỹSau trận mưa rào mùa hè ở miền bắc Arizona, hàng trăm con tôm nòng nọc kỳ lạ chui ra từ trứng trên sa mạc ở khu Đài tưởng niệm quốc gia Wupatki.
Với kích thước cỡ con nòng nọc, loài tôm cổ xưa trông giống những con sam cực nhỏ có 3 mắt, theo Lauren Carter, cán bộ quản lý rừng ở Đài tưởng niệm quốc gia Wupatki. Trứng của chúng có thể nằm bất động hàng thập kỷ trên sa mạc cho tới khi mưa rơi đủ nhiều để tạo ra hồ nước, cung cấp môi trường và thời gian cho con non mới nở trưởng thành và đẻ trứng cho thế hệ tiếp theo, Đại học miền trung Michigan cho biết.
Hình dáng của tôm nòng nọc khác thường đến mức khi du khách trông thấy chúng ở hồ nước mưa tạm thời bên trong sân rộng 32 m của đài tưởng niệm, nhân viên tại đó không biết chắc những con giáp xác đó là vật gì. Lúc đầu, Carter tưởng đó là loài nhái chuyên sống trong hang dưới lòng đất vào mùa khô và chui ra đẻ trứng khi trời mưa. Để tìm hiểu, Carter đi tới sân ở đài tưởng niệm và nhận ra chúng giống hệt loài tôm nòng nọc mà cô từng gặp khi làm việc ở vườn quốc gia Petrified Forest phía đông bắc Arizona.
Tôm nòng nọc còn được gọi là “tôm khủng long” do lịch sử tiến hóa lâu dài. Tổ tiên của loài giáp xác này tiến hóa trong suốt kỷ Devon cách đây 359 – 419 triệu năm. Hình dáng của chúng thay đổi rất ít kể từ đó. Tuy nhiên, tôm nòng nọc không giống hệt tổ tiên của chúng nên không được xem như “hóa thạch sống”.
Có hai chi trong họ Triopsidae là Triops và Lepidurus với tổng cộng 12 loài. Loài giáp xác ở sân Wupatki có thể là tôm nòng nọc đuôi dài (Triops longicaudatus), chuyên sống trong ao nước ngọt tạm thời ở vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ, nhưng cần thêm phân tích khoa học để xác nhận.
Sau khi nở, tôm nòng nọc có thể dài tới 4 cm, có một lớp mai hình khiên trông giống mũ bảo hiểm thu nhỏ. Chúng có mắt kép vành đen lớn và một mắt đơn nhỏ nằm giữa. Những con tôm nòng nọc ở Đài tưởng niệm quốc gia Wupatki rất may mắn bởi cơn mưa rào nặng hạt. Thông thường, Arizona chỉ nhận được khoảng 22,9 cm nước mưa một năm. Năm 2020, khu vực trải qua mùa hè khô hạn nhất trong lịch sử với 10,2 cm nước mưa. Nhưng tuần trước, cơn mưa đem tới gần 12,7 cm nước mưa.
Trong suốt thời gian đó, trứng tôm nòng nọc nở và trong vòng vài giờ, chúng bắt đầu kiếm ăn theo kiểu lọc. Tương tự những loài giáp xác khác, chúng trải qua vài lần lột xác trước khi trưởng thành hoàn toàn chỉ sau một tuần. Tôm đực và tôm cái thường ghép đôi để sinh sản nhưng con cái cũng có thể đẻ con non từ trứng chưa thụ tinh. Tôm nòng nọc có thể sống tới 90 ngày, nhưng hồ nước ở sân đài tưởng niệm chỉ tồn tại khoảng 3 – 4 tuần, theo Carter. Các chuyên gia không rõ có bao nhiêu con tôm nòng nọc kịp đẻ trứng trước khi hồ nước khô cạn và họ sẽ phải chờ tới mùa mưa tiếp theo để xác định.
An Khang (Theo Live Science)