Thứ Sáu, ngày 15/10/2021 12:00 PM (GMT+7)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tỏi có khả năng phòng chống ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên chúng ta cần sử dụng đúng cách để tỏi phát huy tác dụng.
Không chỉ là gia vị quen thuộc trong các món ăn, tỏi còn có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Khi ăn tỏi giúp nạp vào cơ thể một hoạt chất có tên allicin, đây là một chất chống oxy hóa rất mạnh. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu hết cơ chế hoạt động của allicin nhưng nó có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm với hiệu quả đã được khẳng định.
Đặc biệt loại củ cay nồng này được nghiên cứu cho thấy tác dụng phòng chống ung thư, mạnh nhất đối với ung thư đại trực tràng. Một nghiên cứu thực hiện trên 40.000 người chỉ ra phụ nữ có tuổi ăn tỏi có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng thấp hơn 35%. Theo nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các hợp chất trong tỏi giúp sửa chữa ADN, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và giảm viêm. Tỏi cũng đang được nghiên cứu về vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như: Ung thư vú, dạ dày, vòm họng, đại tràng, thực quản, tiền liệt tuyến…
Tuy nhiên, bản thân tỏi không chứa allicin, tỏi tươi có chứa Alliin, khi được đập dập hoặc cắt ra, một loại enzyme có tên là Alliinase sẽ được giải phóng và hai chất này tương tác với nhau tạo thành allicin. Nếu muốn thu được nhiều allicin nhất, sau khi cắt hoặc đập dập tỏi, cần để tỏi “nghỉ” trên 10 phút rồi mới sử dụng. Việc này giúp các enzyme hoạt động tối đa và sản xuất nhiều allicin.
Bên cạnh đó, ăn tỏi vào thời điểm thích hợp giúp tăng cường tác dụng gấp nhiều lần hơn nữa. Cụ thể, tỏi phát huy tác dụng cực tốt khi bụng đói và buổi sáng sau khi thức dậy chính là thời điểm thích hợp nhất. Khi đó, các đặc tính của tỏi sẽ tác động đến các vi khuẩn tốt bên trong cơ thể, kích thích hoạt động của chúng.
Không chỉ là gia vị cần thiết trong nhiều món ăn tỏi còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, trong đó có tác dụng phòng chống ung thư.
Một số lợi ích khác của tỏi có thể kể đến:
– Trị cảm cúm thông thường
Bổ sung tỏi hàng ngày giúp cơ thể chống lại cơn cảm lạnh thông thường. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Advances In Therapy, việc bổ sung tỏi mỗi ngày giúp cung cấp nhiều allicin, làm giảm đến 63% nguy cơ bị cảm cúm. Điều này còn có thể làm giảm hơn 70% thời gian bị cảm, như từ 5 ngày có thể giảm xuống còn 1,5 ngày. Tính chất kháng khuẩn của tỏi rất mạnh, nó thậm chí có thể giúp bạn điều trị đau họng, giảm ho và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
– Tăng cường chức năng tim mạch
Tỏi có tác dụng ổn định huyết áp và bảo vệ thành mạch. Các loại hoạt chất trong tỏi có khả năng làm giảm huyết áp tương tự như các loại thuốc chuyên dùng khác. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học về dược phẩm Pakistan, khoảng 600-1.500 mg chiết xuất tỏi mang lại hiệu quả trong 24 tuần như loại thuốc Atenolol mà người cao huyết áp thường sử dụng. Ngoài ra, do tỏi có chứa polysulfides, các phân tử lưu huỳnh giúp kích thích việc sản xuất các tế bào nội mạc, làm giãn cơ trơn và giãn mạch máu, giúp kiểm soát huyết áp.
– Cải thiện hệ xương
Tỏi có chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích cho hệ xương như kẽm, mangan, vitamin B6, vitamin C. Lượng mangan cao cùng với các enzyme và chất chống oxy hóa rất cần thiết cho sự hình thành xương, các mô liên kết, chuyển hóa xương và sự hấp thụ canxi.
Tỏi còn làm chậm quá trình loãng xương ở phụ nữ bằng cách làm tăng lượng nội tiết tố estrogen. Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Phytotherapy Research, dầu tỏi có chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp phát triển hệ xương khỏe mạnh.
– Lọc máu, thải độc tố
Uống 2 nhánh tỏi sống với một ít nước ấm mỗi ngày vào buổi sáng sớm, đồng thời uống nhiều nước trong cả ngày là cách để cơ thể lọc máu hiệu quả. Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy vắt nước cốt của nửa quả chanh vào một cốc nước ấm và uống với 2 nhánh tỏi vào buổi sáng. Tỏi sẽ giúp làm sạch cơ thể và thải sạch độc tố.
– Giảm tổn thương gan do uống rượu quá nhiều
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Độc chất, Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, chất diallyl disulfide (DADS) trong tỏi có thể bảo vệ gan chống lại quá trình oxy hóa do rượu gây ra.
Tuy nhiên lưu ý vì tỏi có tính kích thích nên hãy ăn điều độ. Thêm nữa tỏi dễ gây khó chịu cho đường ruột và dạ dày vì vậy những người mới bắt đầu ăn tỏi nên tránh ăn quá nhiều một lúc vì tính kích thích của tỏi có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy và hôi miệng. Tỏi cũng dễ gây kích ứng da nên bạn cần lưu ý đeo găng tay khi nấu ăn.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khi-che-bien-toi-them-buoc-nay-se-giup-tang-kha-nang-phong-ung-thu-a5…
Nhiều người không thích ăn tỏi, nhưng nếu hiểu hết lợi ích của tỏi thì buộc bạn sẽ phải tìm đến loại gia vị…