Do chọn hai chuyến quá gần nhau, lại thiếu giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp, Minh suýt bị từ chối bay khi quá cảnh tại Singapore để đến Italy.
Trần Bình Minh, 24 tuổi, du học sinh ở Italy trong 5 năm 2015-2020. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Nuova Accademia di Belle Arti, Minh trở về Việt Nam, làm việc tại một công ty truyền thông. Do Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Milan, Italy, mỗi lần về thăm nhà, Minh đều phải bay quá cảnh (transit).
Suốt 5 năm ở Italy, Minh có nhiều trải nghiệm và bài học bay quá cảnh đáng nhớ.
Trong một chuyến bay từ Nội Bài, Việt Nam, đến Milan, Italy, tôi chọn hãng Singapore Airlines và quá cảnh tại sân bay Changi, Singapore. Thời gian quá cảnh là 1 giờ 30 phút.
Chuyến bay đầu đến Singapore, khi sắp tới nơi, máy bay phải bay vòng tròn gần sân bay hàng chục phút, không thể hạ cánh vì sân bay Changi quá tải. Khi máy bay đỗ trên đường băng, tôi nhìn đồng hồ và lo lắng. Bình thường, thời điểm đó, tôi đáng ra phải yên vị trên chuyến bay thứ hai để tiếp tục chặng Singapore – Italy rồi.
Các nhà ga của sân bay Changi xa nhau, có khi cách cả cây số. Tôi nghĩ nếu lúc đó tìm cách gọi hay đợi xe điện thì cũng phải mất thêm vài phút. Cuống quá, tôi quyết định chạy bộ. Sau hơn 10 phút, tôi hớt hải đến cửa an ninh, thấy một nhân viên mặt đất thúc giục ai chưa lên chuyến bay đến Milan cần lên máy bay ngay lập tức.
Tôi vội nói lớn “Me” (tôi) và giơ tay lên, định chạy thẳng ra cửa bay mà quên mất còn khâu kiểm tra an ninh. Tôi bị nhân viên an ninh giữ lại, bắt bỏ hết đồ đạc để kiểm tra, sau đó, tiếp tục bị người của hãng kiểm tra vé và thị thực. Lúc đó, một bên liên tục giục “Sir, please, hurry up!” (Làm ơn nhanh lên), bên còn lại vẫn chưa hoàn thành thủ tục.
Trớ trêu thay, thời điểm đó tôi đang gia hạn thẻ cư trú tại Italy. Trong quá trình gia hạn, cảnh sát Italy đưa tôi một chiếc biên lai, nội dung là xác nhận tôi đang gia hạn thẻ, cư trú hợp pháp. Tuy nhiên, biên lai đó viết hoàn toàn bằng tiếng Italy, một ngôn ngữ không phổ thông tại sân bay. Nhân viên kiểm tra vé và thị thực không hiểu nội dung, họ đã định không cho tôi qua cửa. Lúc đó, tôi cực kỳ cuống, phải giải thích lại toàn bộ, đồng thời để họ chụp lại giấy tờ tùy thân thì mới được cho đi.
Bước chân lên máy bay, tôi thở hổn hển, người ướt nhẹp mồ hôi. Tôi thấy toàn bộ máy bay đã kín chỗ, hành khách đã yên vị, hành lý cũng được cất gọn. Vì vậy, tôi hiểu mình đã là người cuối cùng và cả máy bay đã chờ khá lâu. Mọi con mắt đều đổ dồn vào tôi, khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ, chỉ ước mọi người hiểu được không phải do tôi mà chuyến bay bị trễ. Nhìn đồng hồ, tôi thấy chuyến bay đã quá giờ 30 phút. Khi tôi ngồi vào chỗ, chưa đầy 10 phút sau thì máy bay cất cánh.
Đến Milan, tôi tưởng đã kết thúc chuyến đi gian nan nhưng hoá ra không phải. Đợi mãi, tôi vẫn không thấy hành lý đâu. Tôi hốt hoảng, tưởng mất rồi nên đến quầy thất lạc kiểm tra thì hoá ra hành lý bị kẹt lại ở Singapore. Tôi lên kịp máy bay nhưng hành lý thì không vì nhân viên không kịp trung chuyển đồ giữa hai chuyến quá sát nhau. Tôi phải mô tả lại kiện đồ, từ chất liệu, kiểu dáng đến đồ đạc bên trong, hôm sau mới nhận được.
Lần đó, nếu hai chuyến bay tôi không đăng ký của cùng hãng Singapore Airlines, khả năng lớn là máy bay không đợi tôi. Do vậy, mỗi khi bay quá cảnh, du học sinh nên chọn hai chuyến của cùng hãng. Khi chuyến đầu tiên bị chậm hoặc xảy ra lỗi, hãng sẽ có phần trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường cho hành khách hoặc đợi như trường hợp của tôi. Ngược lại nếu hai chuyến khác hãng, dù việc chậm trễ có thể không phải lỗi do bạn gây ra nhưng chuyến bay sau không có lý do nào để đợi bạn.
Ngoài ra, tôi rút ra bài học là không nên chọn hai chuyến bay quá sát giờ nhau. Hai chuyến lần đó của tôi chỉ cách nhau 1 tiếng 30 phút, nghĩa là chỉ đủ thời gian để ra khỏi máy bay của chuyển đầu tiên, làm thủ tục để lên chuyến tiếp theo. Nếu xảy ra sai sót hoặc sự cố, khả năng bị chậm chuyến như tôi là rất cao.
Tôi nghĩ thời gian quá cảnh khoảng 3 tiếng là vừa phải. Bạn có thể ăn nhẹ, kiểm tra và giải quyết một số việc cá nhân, nghỉ ngơi một chút trước khi bay chuyến sau (thường là chuyến dài hơn). Trong một lần bay quá cảnh khác, tôi phải đợi hơn 10 tiếng và cảm thấy cực kỳ mệt mỏi khi phải ngủ vạ vật trên ghế tại sân bay.
Tại một số quốc gia, nếu thời gian quá cảnh dài, khoảng trên 10 tiếng, hành khách có thể được phát một loại giấy, cho phép ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp đó, bạn có thể tranh thủ mua sắm, ăn uống nhưng cần chú ý về thời gian đã được quy định. Nếu quá giờ mà chưa quay lại sân bay, bạn có thể bị coi là nhập cảnh bất hợp pháp hoặc chậm chuyến bay kế tiếp.
Trong 5 năm du học, tôi từng quá cảnh tại Nga, Singapore, Thái Lan, Qatar, Bỉ và UAE. Tôi cũng rút ra kinh nghiệm, trước mỗi lần đến một sân bay mới, nên dành thời gian đọc một chút về những thông báo, quy định mới của họ trong thời gian gần đây hoặc cách tìm xe trung chuyển giữa các cổng bay. Một số nước có sân bay quốc tế rất rộng, bạn có thể muộn giờ bay nếu đến nơi mới tìm đường. Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn có một chuyến đi suôn sẻ, thuận lợi hơn.
Thanh Hằng ghi