Lái chiếc xe ba bánh len lỏi qua những con hẻm chật hẹp ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh vào một sáng tháng 10 chớm lạnh, Zhang Suning khẽ rùng mình. Chiếc áo khoác sờn cũ dường như không đủ giúp người đàn ông 54 tuổi này chống lại cái lạnh dù trời mới chỉ đang thu. Zhang là một lao động nhập cư làm nghề nhặt ve chai. Ông đến từng nhà thu mua, nhặt nhạnh thùng giấy, bìa, chai lọ hay bất kỳ loại rác thải có thể tái chế nào.
Điểm dừng chân tiếp theo của Zhang là các công ty tái chế, nơi ông bán những thứ người ta vứt đi để kiếm về khoảng 3.000 tệ (470 USD) mỗi tháng.
Zhang xuất thân từ tỉnh An Huy, đông nam Trung Quốc, đến Bắc Kinh hơn hai thập kỷ trước. Từ đó đến nay, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10 lần nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng với Zhang, cuộc sống không trở nên dễ dàng hơn.
“Thu nhập của tôi tăng gấp đôi nhưng chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn”, Zhang nói. Ông hiện sống cùng vợ, cũng làm công việc nhặt rác, và con trai chưa có việc làm.
Gia đình ba người sống trong một căn hộ chỉ rộng 6 m2 với giá thuê 1.500 tệ/tháng (235 USD).
“Bản thân tôi không có nhiều kỳ vọng. Tôi đã hơn 50 tuổi rồi”, Zhang cho hay. “Tôi chỉ hy vọng con trai tôi có một cuộc sống tốt hơn. Nó 30 tuổi, vẫn độc thân và thất nghiệp”.
Con trai Zhang tốt nghiệp cấp ba ở An Huy, sau đó chuyển đến Bắc Kinh với cha mẹ nhưng anh không thể tìm được một công việc tốt.
Sau nhiều thập kỷ kinh tế phát triển thần tốc, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vượt Mỹ về số lượng tỷ phú. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân, những người giống như Zhang và gia đình ông, vẫn chưa được hưởng thành quả của tăng trưởng.
Trước bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố hiện tại là thời điểm để thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung” với mọi người dân đều được chia sẻ cơ hội giàu có.
Mục tiêu này đang gây nhiều chú ý nhưng thinh vượng chung không phải một khái niệm mới đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1953, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thông qua nghị quyết phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với mục đích đạt được “thịnh vượng chung” ở nông thôn. Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình sau này cũng đi theo mục tiêu này, nhưng cho phép một số người sẽ giàu lên trước.
Ông Tập đã nêu tầm nhìn của mình về khái niệm này tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương hồi tháng 8, công bố các kế hoạch nhằm đảm bảo mọi người dân Trung Quốc đều trở nên khá giả theo cách “từ từ” và “thực dụng”.
Theo kế hoạch của ông, thước đo đầu tiên, dự kiến đạt được vào năm 2035, sẽ là để các dịch vụ công thiết yếu bình đẳng với tất cả mọi người. Sau đó, đến năm 2050, chênh lệch thu nhập sẽ thu hẹp xuống mức “hợp lý”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tình trạng bất bình đẳng đã dẫn đến “sự sụp đổ của tầng lớp trung lưu, chia rẽ xã hội, phân cực chính trị và chủ nghĩa dân túy lan rộng” ở một số quốc gia.
Như vậy, hiện đại hóa của Trung Quốc phải khác đi, ông Tập nhấn mạnh, theo đoạn trích bài phát biểu của ông đăng trên tạp chí đảng Qiushi (Cầu thị).
“Thịnh vượng chung của chúng ta là sự sung túc về vật chất và văn hóa được chia sẻ bởi tất cả, thay vì chỉ một số ít”, ông nói. “Thịnh vượng chung mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đó là cơ sở quy tắc lâu dài của đảng ta”.
Ông Tập từng hứa sẽ thu hẹp khoảng cách thu nhập và đưa nông dân cũng như các gia đình lao động trở thành tầng lớp trung lưu. Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi mục tiêu này là đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực trong bổi cảnh cạnh tranh với phương Tây ngày càng sâu sắc.
“Khái niệm ‘thịnh vượng chung’ được đưa ra có tính hấp dẫn đối với công chúng, nhằm giành được ủng hộ từ người dân cũng như củng cố uy tín của đảng”, Chen Daoying, nhà khoa học chính trị độc lập, cựu giáo sư tại Thượng Hải, nhận xét. “Nó cũng làm bật lên một thế cạnh tranh mang tính hệ thống, khi Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc vượt trội hơn chủ nghĩa tư bản ở phương Tây do Mỹ dẫn dắt”.
Mức sống ở Trung Quốc đã cải thiện rõ rệt trong 4 thập kỷ qua, kể từ khi nền kinh tế mở cửa, nhưng chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng mở rộng, cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển hướng khỏi mô hình đầu tư cao, nợ lớn và tập trung kích thích tiêu dùng hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đối với các nhà hoạch định chính sách, vấn đề bất bình đẳng đã trở nên quá lớn, đến mức không thể làm ngơ”, chuyên gia kinh tế Larry Hu từ ngân hàng đầu tư Macquarie Capital, đánh giá. “Họ dường như tin rằng tình trạng bất bình đẳng ngày càng nới rộng không chỉ làm tăng tâm lý giận dữ của công chúng mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế”.
Hệ số Gini của Trung Quốc, một thước đo bất bình đẳng thu nhập, đã đạt đỉnh ở mức 0,481 vào năm 2008 sau đó giảm xuống 0,465 vào năm 2019 nhưng tăng lên 0,468 vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Hệ số này dao động từ 0 đến 1 và chỉ số càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng lớn. Mức 0,4 thường được coi là lằn ranh đỏ về bất bình đẳng.
Trung Quốc hiện có khoảng 600 triệu người sống với thu nhập hàng tháng từ 1.000 tệ (gần 157 USD) trở xuống, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết vào năm ngoái. Điều này có nghĩa hơn 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân của quốc gia này sống với mức dưới 5 USD mỗi ngày.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Người lao động có thu nhập thấp phải gánh chịu hệ quả của những chao đảo trên thị trường lao động khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ. Trong khi đó, các trung tâm thương mại cao cấp lại chứng kiến doanh số tăng 25 – 35% vào năm ngoái so với năm 2019, vì người giàu Trung Quốc vẫn có nguồn thu nhập tốt và ổn định hơn.
Theo công ty phân tích dữ liệu CEIC, tiêu dùng cá nhân đóng góp vào GDP của Trung Quốc đã tăng đều đặn kể từ năm 2010, lên 39,1% vào năm 2019 trước khi giảm xuống 37,7% vào năm ngoái. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển, nơi tiêu dùng cá nhân chiếm tới 70% nền kinh tế.
Wang Xiaolu, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ở Bắc Kinh, cho rằng để đạt được mục tiêu thịnh vượng chung, chính phủ cần cải thiện các dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội nhằm cung cấp cho tất cả người dân một nền tảng đảm bảo ổn định cuộc sống cơ bản.
“Một nửa trong 400 triệu công nhân thành thị của Trung Quốc là lao động nhập cư. Phần lớn họ không được hưởng hệ thống an sinh xã hội đô thị và dịch vụ công. Chưa đến 30% trong số họ được hưởng chương trình lương hưu của nhà nước”, Wang cho biết tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hồi tuần trước. “Khi về già, họ không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống. Họ phải trở về nhà ở quê. Thật không công bằng”.
“Đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp nhà nước và chính phủ đã chiếm 25% GDP Trung Quốc trong những năm gần đây. Nếu chúng ta cắt giảm các dự án không cần thiết và đầu tư 10% vào cải thiện hệ thống an sinh xã hội, cuộc sống của những người có thu nhập thấp sẽ tốt hơn”, ông nhận định.
Trở lại ngôi nhà nhỏ ở Bắc Kinh, Zhang cho biết ông không có bảo hiểm y tế hay bất kỳ chương trình hưu trí nào, vì ông không được công nhận là cư dân địa phương theo hệ thống đăng ký hộ khẩu.
Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc dựa trên nơi sinh của cha mẹ. Điều này có nghĩa nếu không có nơi cư trú chính thức ở đô thị, nhiều lao động nhập cư sẽ không được tiếp cận những phúc lợi xã hội hay các dịch vụ của chính phủ, từ lương hưu đến giáo dục công.
Trung Quốc đang có kế hoạch nới lỏng giới hạn cư trú ở hầu hết các khu vực thành thị và khởi động hệ thống mới thay thế cho hệ thống hộ khẩu, theo bản dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ công bố hồi tháng ba.
Dù đã sống ở Bắc Kinh 20 năm, Zhang vẫn là một cư dân nông thôn và được đưa vào hệ thống lương hưu vùng nông thôn.
Theo hệ thống này, những nông dân đã đóng hàng năm ít nhất 100 tệ (15,67 USD) có thể nhận lương hưu tối thiểu hàng tháng là 55 tệ (8,62 USD) khi họ đến tuổi 60. Trong khi đó, những người nghỉ hưu ở thành thị nhận được trung bình 2.362 tệ (370 USD) tiền lương hưu hàng tháng vào năm 2016.
“Lương hưu vùng nông thôn là phúc lợi duy nhất mà tôi sẽ có. Tôi không bao giờ đến bệnh viện ở Bắc Kinh vì chi phí y tế quá cao”, Zhang chia sẻ. “Tôi hy vọng con trai tôi sẽ may mắn hơn nếu một ngày nào đó nó có thể trở thành cư dân Bắc Kinh”.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)