Tìm hiểu thông tin về tư vấn viên, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân… là những điều khách hàng cần lưu ý khi tham gia hợp đồng bảo hiểm.
Ngày nay, bảo hiểm nhân thọ được nhiều người quan tâm bởi có khả năng hỗ trợ tài chính khi khách hàng gặp rủi ro trong cuộc sống. Và trước khi quyết định tham gia một hợp đồng bảo hiểm cũng như lựa chọn chương trình phù hợp, mọi người sẽ gặp các chuyên viên tư vấn để tìm hiểu thông tin về chính sách, quyền lợi, chi phí…
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chuyên viên tư vấn bảo hiểm nào cũng là “người có tâm”. Không ít người vì quyền lợi của bản thân mà làm những điều sai nguyên tắc, gây bất lợi cho khách hàng. Chuyên viên tư vấn bảo hiểm Linh Trần đưa ra một số lưu ý cho khách hàng trong quá trình làm việc để chọn được một tư vấn viên đáng tin cậy.
Tìm hiểu thông tin về tư vấn viên
Hiện tại, thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm, đồng nghĩa với việc số lượng tư vấn viên rất lớn. Chị Linh Trần cho biết một chuyên viên tư vấn muốn tư vấn và chốt hợp đồng với khách hàng, buộc phải có hợp đồng đại lý bảo hiểm do công ty chứng nhận. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm qua công ty như: tên tuổi, chức vụ, số năm làm việc, bằng cấp… để tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Không để tư vấn viên kê khai thiếu trung thực về tiền sử bệnh
Để không mất nhiều thời gian thẩm định hợp đồng, một số tư vấn viên kê khai thiếu trung thực về tiền sử bệnh của khách hàng. Nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, khách hàng sẽ nghĩ rằng điều này mang lại lợi ích cho bản thân, giúp họ dễ dàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhanh chóng, tiết kiệm thời gian nên dễ dàng đồng ý với những gì chuyên viên tư vấn nói mà không nghĩ tới hậu quả sau này.
Chị Linh Trần khẳng định các công ty bảo hiểm cũng là những nhà kinh doanh, họ sẽ không bao giờ bỏ tiền chi trả cho những điều bản thân biết chắc gây thiệt hại cho mình. Trong trường hợp khách hàng có bệnh nền hoặc những vấn đề sức khoẻ trước đây từng phải chữa trị (dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ hiện tại) cũng phải kê khai đầy đủ, thường là trong 5 năm trở lại đây.
Chị Linh từng làm việc với một khách hàng bị thoát vị bẹn, phải phẫu thuật 2 năm trước, sức khoẻ hiện tại hoàn toàn bình thường nhưng đó vẫn là tiền sử bệnh. Khách sẽ phải chấp nhận loại trừ chi trả tất cả vấn đề sức khoẻ liên quan đến thoát vị bẹn.
“Trong bảo hiểm có một quy định về thời gian chờ của bệnh, nếu khách hàng không may mắc bệnh mới được chi trả quyền lợi. Tất cả đều là quy định, nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm cũng như khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho họ. Tư vấn viên bắt buộc phải giải thích cho khách những điều này trong quá trình tư vấn”, chị nói.
Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân
Do thời buổi dịch nên ưu tiên việc thanh toán phí bảo hiểm qua Internet banking. Lợi dụng điều này, những tư vấn viên không chân chính yêu cầu khách hàng chuyển khoản vào số tài khoản cá nhân của mình thay vì của công ty bảo hiểm.
Chị Linh lưu ý khách hàng tuyệt đối không giao dịch với tư vấn viên qua số tài khoản cá nhân. Các công ty bảo hiểm đều có số tài khoản riêng và các cổng thanh toán online đều có quy định rất chặt chẽ, phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Khi lập hồ sơ bảo hiểm online, khách hàng được yêu cầu nhập số điện thoại và email cá nhân. Do đó, biên nhận thu phí sẽ được gửi về email khách hàng và thông tin về hợp đồng cũng được gửi qua tin nhắn SMS trên điện thoại đã đăng ký ngay sau khi khách thanh toán qua Internet banking.
Không để tư vấn viên ký thay
Thông thường, nếu gặp trực tiếp, khách hàng sẽ là người ký vào hợp đồng nhưng trong đợt dịch vừa qua, khi chuyển sang hình thức tư vấn online, nhiều tư vấn viên tự ký thay khách nhằm chốt hợp đồng nhanh thay vì confirm qua email hoặc các hình thức trực tiếp khác theo quy định của công ty.
Chị Linh cho rằng điều này rất nguy hiểm bởi nếu khách hàng tham gia một hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra rủi ro, cần chi trả quyền lợi, nếu chữ ký không đúng, công ty sẽ từ chối giải quyết. Bởi các công ty cũng giống như ngân hàng, họ sẽ căn cứ vào chữ ký ban đầu của khách hàng để xác nhận. Như vậy, người thiệt thòi ở đây chính là khách hàng.
Hiện tại, hầu hết công ty đều đã đưa công nghệ vào việc ký hợp đồng, confirm qua email hoặc app. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian giãn cách, khách vẫn cần nộp giấy tờ bản cứng cho công ty. Chị Linh đã gặp khá nhiều trường hợp tư vấn ký thay khách hàng với lý do “đỡ mất thời gian” nhưng dù có bắt chước thế nào thì cũng không giống chữ ký của người khác được.
Hải My