Vàng thế giới kết thúc tuần trước ở mức 2.633 USD/ounce, giảm so với mức giá đầu tuần là 2.648,6 USD. Đây được cho là tín hiệu không tốt cho những bước đi tiếp theo của vàng.
Cũng trong tuần qua, báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ tăng nhẹ, đạt 227.000 việc làm, không đủ sức mạnh tác động đến chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Qua đó, vàng tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn hơn nữa trong 10 ngày tới.
Theo bài viết của tác giả Neils Christensen trên Kitco, các nhà phân tích nhận định, dự báo giá vàng 10 ngày tới sẽ bị mắc kẹt trong khoảng 2.600 đến 2.700 USD/ounce. Vàng đang cần một chất xúc tác mạnh đẩy giá vượt qua mức cản trên.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng mảnh ghép tiếp theo của câu đố kinh tế sẽ xuất hiện vào tuần tới, với dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất của tháng 11 của Mỹ. Ngoài ra, nếu chi phí nhà ở giảm, giúp chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi giảm, tạo điều kiện cho Fed cắt giảm lãi suất – điều này sẽ hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát nhiều tháng qua đều đang đi ngang, chưa có xu hướng giảm tiếp về mức mục tiêu 2%. Do đó, các nhà phân tích nhận định, số liệu lạm phát trong tuần tới vẫn ổn định, không đủ là chất xúc tác mạnh cho giá vàng đi lên.
Christopher Vecchio, Trưởng phòng Giao dịch tương lai và Ngoại hối tại Tastylive, cho hay ông chưa thấy động lực nào để giá vàng sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Ông nói thêm, về trung hạn, vàng đang được hỗ trợ tăng giá, nhưng trong ngắn hạn nguy cơ giảm giá ngày càng gia tăng do tâm lý đầu cơ vẫn còn ở mức cao.
“Vàng muốn thu hút động lực mới, giá cần phải vượt qua ngưỡng kháng cự ban đầu là 2.725 USD/ounce” – Christopher Vecchio lưu ý.
Theo Jesse Colombo, nhà phân tích kim loại quý độc lập và là người sáng lập Báo cáo BubbleBubble, mặc dù rủi ro giảm giá ngày càng gia tăng, nhưng trong dài hạn vàng vẫn trong xu hướng tăng giá.
“Nếu giá vàng có thể rơi xuống mức 2.500 USD/ounce mới có thể kéo đà tăng giá của vàng đi xuống, còn nếu vẫn duy trì trên mức 2.600 USD/ounce thì chiều hướng tăng giá vẫn còn nguyên giá trị”, Jesse Colombo phân tích.
Ricardo Evangelista, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại ActivTrades, cho rằng, giá vàng sẽ ổn định trước thời điểm Fed họp về chính sách tiền tệ (ngày 18/12).
Như vậy, trong 10 ngày tới, vàng vẫn chịu nhiều yếu tố đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Trong đó, yếu tố tích cực đến từ rủi ro địa chính trị vẫn còn rất phức tạp. Còn yếu tố lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD đang gia tăng sức mạnh sẽ tác động xấu đến giá vàng.
Thị trường vàng trong nước tiếp tục chịu sự tác động từ giá vàng thế giới. Trong tuần qua, vàng nhẫn và vàng miếng SJC không ghi nhận mức tăng đột biến. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận lần đầu tiên giá mua vào nhẫn trơn Doji vượt mức giá mua vào của vàng miếng.
Thị trường vàng trong nước cũng đang rất cần chất xúc tác từ giá vàng thế giới để bứt phá.