Trung QuốcTrình hãm hại vợ xong, nhờ người tình đóng giả đi rút tiền bảo hiểm nhân thọ; đăng nhiều ảnh trên mạng xã hội vờ rằng nạn nhân vẫn sống.
Tháng 6/2018, cảnh sát huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy, nhận tin báo bất thường khi một phụ nữ gần 60 tuổi đến trình báo con gái Trần Hiểu Mỹ mất tích song từ 4 năm trước.
Theo thông tin bà cung cấp, Mỹ lấy chồng từ năm 2007, có hai con. Tháng 8/2014, Mỹ cãi nhau với chồng, sau đó bỏ nhà đi nơi khác làm thuê. Từ đó đến năm 2017, cô vẫn liên lạc với gia đình, nhưng gần một năm nay bặt vô âm tín.
Điều tra về tình hình của Mỹ, cảnh sát biết thực ra vợ chồng họ ly hôn từ năm 2013. Anh Trình, chồng cũ, giải thích sau khi cưới cả hai tu chí làm ăn, vay mượn mở một cửa hàng bán quần áo. Việc làm ăn rất thuận lợi, vợ chồng không những trả hết nợ mà còn mở thêm cửa hàng thứ hai ở con phố sầm uất.
Nhưng sau đó Mỹ thấy bạn bè buôn thực phẩm chức năng kiếm được nhiều tiền nên để chồng quản lý cửa hàng còn cô mở cửa hàng thực phẩm chức năng. Một năm Mỹ không những thua lỗ hết vốn liếng mà còn phải nhượng lại cả hai cửa hàng quần áo mới đủ tiền trả nợ.
Vợ chồng thường xuyên cãi nhau vì vấn đề này nên cuối cùng ly hôn. Biết chuyện, mẹ Mỹ vội đến khuyên đôi trẻ suy nghĩ lại, đừng để chuyện gia đình ảnh hưởng đến các con. Vì vậy dù ly hôn, Mỹ và Trình vẫn sống cùng nhà.
Trình nói, ngày 4/8/2014, Mỹ bỏ đi sau trận cãi vã, nhắn tin nói đi kiếm tiền đến khi nào nở mày nở mặt mới về. Cảnh sát đề nghị cho xem tin thì được giải thích bốn năm đã trôi qua, đổi điện thoại mấy lần nên không còn lưu.
Cảnh sát hỏi có cho ai xem tin nhắn này không, Trình nói mấy hôm sau chị gái của Mỹ có đến nhà tìm và đã cho xem. Cảnh sát tìm gặp chị gái Mỹ, được xác nhận thông tin này là đúng.
Người nhà cho biết, Mỹ vẫn dùng tài khoản mạng xã hội cũ nhưng đổi số điện thoại mà không ai biết số mới. Do mẹ và chị gái không dùng điện thoại thông minh, nên người Mỹ thường liên lạc là cậu em họ.
Người này nói Mỹ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin nhờ báo cho người nhà là vẫn ổn. Mỹ kể đi buôn thực phẩm chức năng khắp nơi, khi ở Quảng Châu, khi ở Hàng Châu, khi lại ở Bắc Kinh. Nhưng toàn bộ trao đổi đều là tin nhắn văn bản, không có tin nhắn thoại, cũng không gọi điện.
Thấy nhiều người thích sử dụng tin nhắn qua các ứng dụng mà không thích gọi điện nên việc này rất bình thường, cậu em họ cũng không nghĩ nhiều. Gần một năm trước, tài khoản mạng xã hội của Mỹ đột nhiên không hoạt động. Người này nhiều lần nhắn tin nhưng đến lúc này trạng thái tin nhắn vẫn là chưa đọc.
Cảnh sát vào trang cá nhân trên mạng xã hội của Mỹ, thấy thỉnh thoảng vẫn đăng trạng thái, có thể chỉ có chữ, có thể kèm theo ảnh. Nội dung những bài đăng là khoe đến khu du lịch này, nhà hàng nọ, có lúc đang ở sân bay đợi lên máy bay.
Điều tra về tài khoản ngân hàng của Mỹ, cảnh sát nhận thấy trước tháng 8/2014, tài khoản của Mỹ vẫn thường xuyên có biến động, nhưng từ đó đến nay không có gì, số dư trong tài khoản cũng chỉ có vài trăm nhân dân tệ.
Cảnh sát cho rằng có thể Mỹ chuyển sang sử dụng các loại ví điện tử nên họ liên hệ với tất cả nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử phổ biến. Kết quả, Mỹ không sử dụng các dịch vụ này.
Cảnh sát tìm gặp mẹ của Mỹ và được biết thực ra Mỹ quen một người đàn ông họ Đặng ở Bắc Kinh qua mạng. Ngày 1/8/2014 người này đến huyện Phượng Dương gặp. Hai người đang ăn trong nhà hàng thì bị Trình bắt quả tang. Họ sau đó ly hôn nhưng vẫn sống cùng với nhau. Bà vẫn coi Trình con rể mình, vì vậy cảm thấy rất áy náy, cũng xấu hổ không muốn nói với cảnh sát.
Nhận định có thể Mỹ đã bỏ nhà đi theo Đặng, một tổ công tác lên đường đến Bắc Kinh điều tra. Với sự hỗ trợ của cảnh sát Bắc Kinh, cuối cùng cảnh sát Phượng Dương cũng tìm được người đàn ông này. Đặng nói tháng 7/2014, anh ta quen Mỹ qua mạng, tỏ ra tâm đầu ý hợp.
Ngày 1/8, Đặng đến gặp Mỹ, nhưng bỗng dưng có người đàn ông xông vào đánh. Sau đó, Mỹ giải thích đó là chồng cũ và hai người đã ly hôn. Vì chuyện này nên Đặng quay lại Bắc Kinh ngay, sau đó không liên lạc được với Mỹ nữa.
Cảnh sát phát hiện, ngoài các giao dịch mua bán bình thường, hàng tháng Mỹ đều nộp một khoản tiền cho công ty bảo hiểm nhân thọ. Sau ngày 2/8 tài khoản không có giao dịch mới, vậy Mỹ đóng bảo hiểm tiếp kiểu gì?
Tìm đến công ty bảo hiểm này, cảnh sát được biết năm 2015 Mỹ đến xin rút lại tiền bảo hiểm đã đóng, chấp nhận mức phạt rút sớm.
Nhân viên bảo hiểm nói người rút tiền chính là Mỹ, đến một mình. Xem lại bản sao chứng minh thư của Mỹ khi đến rút tiền, cảnh sát phát hiện chứng minh thư đúng là của Mỹ, nhưng ảnh lại không phải. Cảnh sát xác định ra người trong ảnh và được cô cho biết nói năm 2015, bạn trai nhờ cầm chứng minh thư này đi rút tiền. Người bạn trai này, bất ngờ chính là Trình.
Cảnh sát đặt nghi vấn: Vì sao Trình dám mạo danh vợ cũ đi rút tiền bảo hiểm? Mỹ quay về thì sao? Hay anh ta biết chắc chắn Mỹ không thể quay về được nữa?
Nhà chức trách sau đó cho rằng có thể Mỹ đã bị hãm hại chứ không phải bỏ nhà đi.
Quay lại trang cá nhân trên mạng xã hội của Mỹ, cảnh sát phát hiện toàn bộ những bức ảnh cô đăng đều là ảnh tải trên mạng chứ không phải tự chụp bằng điện thoại như bình thường. Vậy người đăng những trạng thái này rất có thể chính là hung thủ.
Số điện thoại đi kèm với tài khoản này của Mỹ đã thay đổi sang số mới và người sở hữu số này lại chính là Trình.
Sau hơn 3 giờ cảnh sát đấu tranh tâm lý, Trình phải thừa nhận đã sát hại Mỹ khi thấy cô muốn đến với người đàn ông khác. Theo chỉ dẫn của Trình, cảnh sát tìm được nơi chôn Mỹ ở bãi đất hoang ngoài đồng.
Khang Diệp (Theo CCTV)