Giới chức Israel cho biết Nga đã đồng ý duy trì thỏa thuận cho phép tiêm kích Israel tự do tấn công mục tiêu ở Syria mà không đáp trả.
Bộ trưởng Nhà ở Zeev Elkin, người tháp tùng Thủ tướng Israel Naftali Bennett tới hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, ngày 22/10 cho biết hai nước sẽ tiếp tục cơ chế ngăn ngừa xung đột, giúp lực lượng quân sự hai nước không tấn công lẫn nhau tại Syria.
Truyền thông Israel cho biết trong cuộc họp với Thủ tướng Bennett, Tổng thống Putin đồng ý để Israel tự do hành động tại Syria, song yêu cầu nước này cung cấp thêm thông tin cho Nga về các cuộc không kích. Điện Kremlin chưa xác nhận thông tin này.
“Chính sách liên quan tới Nga về các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria được giữ nguyên”, Elkin cho biết. “Nga là một bên rất quan trọng trong khu vực, giống như một láng giềng của chúng tôi ở phía bắc”, ông nói thêm, đề cập đến sự hiện diện quân sự lớn của Nga ở Syria.
Israel và Nga đã thiết lập đường dây nóng để tránh đụng độ giữa hai bên tại Syria. Cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần gặp Putin để thảo luận về vấn đề trên, khẳng định quan hệ cá nhân của họ là yếu tố chính để duy trì cơ chế ngăn xung đột.
Không quân Israel những năm qua thực hiện hàng trăm đợt không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria, song nước này hiếm khi xác nhận hoặc công bố thông tin chi tiết.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các mục tiêu bị không kích bao gồm vũ khí nghi chuyển cho nhóm dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn vì bị Israel coi là khủng bố.
Nga từng nhiều lần công khai bày tỏ sự không hài lòng khi Israel không kích các mục tiêu ở Syria. Trong tuyên bố chung tại Hội nghị Astana hồi tháng 6, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lên án việc Israel tiếp tục tấn công Syria, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền của Syria và gây nguy hại cho ổn định cùng an ninh trong khu vực.
Các quan chức Israel không thảo luận về mức độ của hoạt động phối hợp song phương, song khẳng định IDF không xin phép Nga trước khi không kích Syria. Tình trạng của đường dây nóng giữa Nga và Israel trở nên không rõ ràng sau ngày 17/9/2018, khi một kíp tên lửa Syria khai hỏa nhằm vào tiêm kích Israel song bắn nhầm trinh sát cơ Il-20 của Nga, khiến 15 người trên máy bay thiệt mạng.
Nga cáo buộc tiêm kích Israel nấp sau trinh sát cơ để tiếp cận mục tiêu, khiến xạ thủ tên lửa Syria bắn nhầm. Nga sau đó đáp trả bằng cách chuyển cho Syria các khẩu đội tên lửa phòng không S-300, khiến không quân Israel mất đi đáng kể khả năng tự do hoạt động trên bầu trời quốc gia Trung Đông này.
Nga cũng triển khai một số tổ hợp S-400 để bảo vệ các căn cứ tại Syria, song chưa bao giờ dùng chúng đối phó tiêm kích Israel.
Nguyễn Tiến (Theo Times of Israel)