Trồng cần mà thân thiện quá với hàng xóm chỉ khiến họ luôn để mắt tới mình, và có khi hàng xóm gõ cửa biếu cái bánh thì nghe mùi cần sa nồng nặc từ phía trong.
Đường xanh viễn xứ là tự truyện của tác giả Tô Giang – cựu nhà báo từng bỏ hết sự nghiệp để thực hiện giấc mơ đổi đời ở nước Úc. Tham vọng kiếm tiền bằng mọi giá đưa anh lấn sâu dần vào con đường trồng cần sa bất hợp pháp ở xứ người.
Sau khi bị bắt, ngồi tù 30 tháng, Tô Giang bị trục xuất về Việt Nam đầu năm 2020 và đang dần gây dựng lại cuộc sống lương thiện cho mình. Đường xanh viễn xứ là cách anh chọn để đối diện với quá khứ, để công khai những tội lỗi, sai lầm của mình cho tất cả những người quen và không quen. Chỉ có thế, Tô Giang mới có thể rũ bỏ tất cả để sống tiếp những ngày tháng tới. Cuốn sách cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang ủ mộng về một giấc mơ xa hoa trên tội lỗi hãy suy nghĩ lại để tìm ra giá trị thực sự của cuộc sống.
Báo VietNamNet xin đăng tải một đoạn trích trong cuốn sách này với sự cho phép của Nhã Nam và tác giả.
Tác giả Tô Giang những ngày còn ở nước Úc |
Chương 6: Ngôi nhà hoa hồng
Để làm sao hàng xóm không tới nhà mình gõ cửa trong khi vẫn thân thiện, tôi chỉ chào hoặc ra ký hiệu từ xa đối với họ để giữ đúng khoảng cách cần thiết. Tôi luôn viện lý do không biết nhiều tiếng Anh và đó cũng là điều chính xác.
Đã có những trường hợp bị lộ do hàng xóm quá thân thiện. Trồng cần mà thân thiện quá với hàng xóm chỉ khiến họ luôn để mắt tới mình, và có khi hàng xóm gõ cửa biếu cái bánh thì nghe mùi cần sa nồng nặc từ phía trong. Đó là trường hợp đã xảy ra đối với một dân “chăn mèo” không chuyên. Chính vì thế giữ khoảng cách một cách hòa nhã là cả một nghệ thuật ứng xử! “Lịch sử” gần nửa thế kỷ trong nghề “chăn mèo” của người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã đúc kết nhiều thực tế vô cùng sinh động.
Cũng để che giấu sự bí ẩn của cả một rừng cần sa phía trong tôi kéo sự chú ý ra bên ngoài với việc trồng hoa, chăm vườn, treo những giò lan.
Ở mặt tiền ngôi nhà, nơi rất dễ quan sát vì bờ rào bằng gỗ đóng theo kiểu làm cảnh chỉ thấp tầm sáu mươi xen ti mét. Tại đây tôi trồng hai dãy hoa hồng loại bông to với đủ màu sắc. Giống cây rất tốt cộng với các loại hóa chất hảo hạng từ cần sa cung cấp nên chúng phát triển nhanh chóng tạo ra một vườn hoa hồng đẹp nhất ở khu vực đó. Giữa các cây hồng tôi có cắm đèn năng lượng mặt trời. Buổi tối chúng chiếu sáng tạo nên sự lung linh cho khu vườn.
Tôi cũng dày công với những cây hồng này nên chúng luôn tạo ra một vườn hoa mà bất cứ người nào cũng phải trầm trồ. Phải nói khung cảnh phía ngoài ngôi nhà tuyệt đẹp. Ban công ngay cửa ra vào là cả một khóm hoa cẩm tú cầu khổng lồ rực rỡ ba sắc màu trắng, hồng nhạt và tím. Lối đi từ ban công ra sân trước là hai hàng cây hoàng dương. Sân được chăm sóc cẩn thận với cỏ tự nhiên, lối đi là những viên gạch granite xếp cạnh nhau theo hình chéo. Ở bên phải ngôi nhà chỗ sát con đường Dryroad là cái giếng cảnh có mái che bằng gỗ, có một chiếc thùng gỗ như là chiếc gầu có dây treo lơ lửng và những giò lan. Ngôi nhà lột xác cùng với nhiều loại phân bón hóa chất từ ngành trồng cần. Màu xanh tươi của sự sống hiện rõ, che đi cái u tối của tội lỗi phía trong.
Ban đầu tôi chụp rất nhiều hình đăng tải lên Facebook về hoa và ngoại cảnh ngôi nhà mình chăm sóc và nhận được nhiều sự trầm trồ, tuy nhiên sau này vì lý do bảo mật nên tôi đã xóa tất cả những hình ảnh có liên quan đến căn nhà tại Dryroad trên trang cá nhân. Việc làm vườn chăm sóc hoa mang lại nhiều tác dụng trong việc che giấu hành tung phía trong.
Thứ nhất những người trồng cần sa không một ai chăm chút hoa, cây cảnh và trồng rau sạch để ăn trước nhà làm như tôi. Không ai có thể ngờ rằng một căn nhà với vườn hoa khoe sắc quanh năm lại trồng cần sa ở trong. Việc trồng rau và sự chăm chút cẩn thận cho thấy người ở là dân lao động siêng năng và không nhiều tiền nên phải tăng gia rau trong vườn. Điều quan trọng nhất là việc tôi đi cả ngày đến chiều mới xuất hiện, mà về nhà lo làm vườn ngay không chú ý gì phía trong, đã lôi kéo mọi ánh mắt ra ngoài vườn: ở đó có anh công nhân cần mẫn, lấm lem, yêu thích hoa cỏ và thiên nhiên.
Nhưng sau một thời gian, sự xuất hiện một mình của tôi ở căn nhà rộng rãi ít người qua lại làm tôi ái ngại. Tôi lập tức nghĩ ra các chiêu trò, ví dụ tự nói một mình thật to để tỏ ra trong nhà có tiếng nhiều người. Có lần tôi khóa cửa ra đi vào buổi sáng cùng chiếc xe bán tải chất đầy đồ nghề, tình cờ gặp chị hàng xóm mẹ đơn thân cũng đưa con đi học. Tôi bèn nhìn vào cửa nhà mình và nói “good bye” như thể có người ở trong. Rồi tôi tự cười toác lên, đề xe nổ máy lao đi trước cái nhìn thân thiện của người hàng xóm. Công việc của “dân chăn mèo” là thế đó, nghĩa là lừa gạt, đóng vai, giả vờ…
Việc này khiến không ít người thay đổi luôn tính cách và suốt cuộc đời hầu như không trung thực với ai. Sự gian dối ăn sâu vào tiềm thức khiến những ai lâu năm trong nghề mặt mũi cũng có vẻ tối tăm, nhìn xung quanh thiếu tự tin vì luôn sợ bị ai đó phát hiện điều không trung thực của mình. Còn tôi vẫn luôn giữ vững lập trường rằng, phải trung thực với những người cùng chiến tuyến!
Thế nhưng, tôi đã mắc sai lầm cơ bản vì thế giới này hầu như không có người ngay thẳng. Ai cũng vì lợi ích mà khôn lỏi vòng vèo. Có những kẻ còn khốn kiếp hớt tay trên của nhau, ăn tiền trên xương máu của đồng bọn. Tôi cũng bắt đầu ủ những âm mưu của mình. Đầu tiên là việc thi thoảng gọi báo về những tình huống nguy hiểm mà bản thân mình vẫn trụ vững, với mục đích nói rõ sự quan trọng của tôi để đưa mức ăn chia về đúng tỷ lệ 50/50. Thế nhưng điều đó không lay chuyển nổi Đảo.
Đảo là người vô cảm nhưng luôn tỏ ra xuýt xoa đầy ngụy tạo trước những nỗi cám cảnh của bạn bè hay người làm cùng. Có thể nói đó là gương mặt đạo đức giả điển hình nhất mà tôi từng gặp. Sau khi những nỗ lực về điều chỉnh mức giá với Đảo khó đạt được, tôi đi đến kết luận phải nhanh chóng trưởng thành tung cánh bay xa. Tôi không thể và không muốn giở ra những chiêu trò bẩn thỉu, nếu thế thì tôi cũng không khác gì Đảo.
(Còn nữa)
Đường hoàn lương của cựu nhà báo Việt trồng cần sa ở Úc
Tốt nghiệp Tổng hợp Văn, là biên tập viên của đài truyền hình tỉnh, Tô Giang bỏ lại tất cả để đi theo tiếng gọi của đồng tiền, rồi lại trở về quê hương gột rửa quãng đời tội lỗi đã qua.