Rừng tràm Trà Sư được đánh giá là điểm tham quan thú vị và hấp dẫn nhất của mảnh đất An Giang. Du khách tới đây tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp trước rừng tràm mênh mông và có cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng phía Tây sông Hậu với nhiều loài động thực vật đa dạng quý hiếm.
Điều thú vị hơn nữa, rừng tràm Trà Sư còn hấp dẫn du khách bởi ẩm thực với những món ăn tự nhiên từ rừng, nghe tên thấy kỳ lạ nhưng ăn vào lại ngọt, ngon khó cưỡng.
Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Là vùng rốn của khu vực Tứ giác Long Xuyên nên sản vật đồng quê ở đây rất phong phú và tươi ngon.
Ở nhiều nơi khác, món cá lóc nướng trui sẽ dùng rơm để đốt nhưng ở Trà Sư ngoài việc cá được nuôi ngay trong rừng thì còn được nướng bằng củi tràm, tất cả đều là đặc sản của xứ rừng mộc mạc. Củi tràm có tinh dầu nên khi nướng cá tạo nên một mùi thơm hấp dẫn.
Cá lóc nướng trui khi chín đều thì màu da sẽ chuyển sang vàng ruộm, sau đó du khách sẽ bóc lớp vảy cá cháy, thịt cá bên trong chín đều và tỏa hương thơm ngào ngạt. Thịt cá đem cuốn cùng bánh tráng, rau sống, bún tươi và chén nước chấm chua ngọt hoặc mắm nêm. Cắn một miếng, cảm nhận thịt cá dai chắc, vị ngọt thơm lan tỏa trong miệng khiến du khách sẽ nhớ mãi không quên.
Trải nghiệm rừng tràm Trà Sư với món ẩm thực lẩu cá linh
Cá linh là một loại cá sống trong tự nhiên mà chỉ miền Tây mới có, và đặc biệt là chỉ có mùa nước nổi cá linh mới theo con nước đổ về. Đó được xem là sản vật thiêng liêng trời phú cho những con người miền Tây hồn hậu. Cá linh đầu mùa, chỉ bé bằng đầu đũa, thịt cá ngon, ngọt, xương mềm, béo ngậy. Nước càng dâng cao, cá linh về càng nhiều. Cá linh sau khi bắt, sẽ có thể được chế biến thành nhiều món như: mắm cá linh, lẩu cá linh, cá linh kho, cá linh chiên bột, …
Và đặc biệt là món lẩu cá linh bông điên điển, đặc sản nổi tiếng đối với mọi người mỗi khi đến miền Tây vào mùa mưa.
Để có được nồi lẩu ngon đúng điệu, chuẩn hương vị miền sông nước, mọi người thường lựa chọn nguồn nguyên liệu đặc biệt tự nhiên, tươi sạch từ nhiều kênh rạch sông nước chằng chịt ở miền Tây. Hương vị ngọt thanh, giản dị, mang đậm vị hương đồng gió nội chính là đặc trưng món lẩu cá linh này.
Trải nghiệm rừng tràm Trà Sư với món ẩm thực gà nướng mật ong
Gà nướng mật ong không phải là món ăn xa lạ mà là món ăn phổ biến ở bất cứ tỉnh, thành nào của Việt Nam cũng đều có. Tuy nhiên mỗi nơi có một cách nướng, cách ngon riêng của món này, với rừng tràm Trà Sư cũng vậy.
Gà nướng mật ong ở đây đều được lấy nguyên liệu và chế biến tại chỗ. Đi trong rừng tràm Trà Sư, du khách dễ dàng bắt gặp những tổ ong mật cái nào cái nấy to cỡ cái thúng, nhìn phát hoảng. Có tổ to vắt đến mười mấy lít mật và mật ong này sẽ được chế biến các món ăn ngay tại rừng tràm. Gà được bắt tại đây nên thịt gà cũng khác nhiều nơi nuôi gà công nghiệp. Thịt gà ở đây bao giờ cũng chắc, thơm, ngọt thịt hơn.
Để gà nướng mật ong được thơm và ngon thì sau khi làm sạch gà, chủ quán sẽ mổ phanh gà và tẩm ướp chút muối ớt, sau đó phết một lớp mật ong và cho lên phên tre, lật liên tục, thỉnh thoảng lại phết một ít mật ong cho đều lên thân gà. Da gà thấm mật vàng ruộm, nhưng không bị khô và cháy đen. Thịt gà rất thơm, khi ăn dùng tay xé từng miếng thịt gà, chấm muối ớt, kèm theo mấy loại rau hái trong rừng, đảm bảo du khách sẽ nhớ mãi không quên.
Trải nghiệm rừng tràm Trà Sư với món ẩm thực chuột quay lu
Tới Trà Sư, có một món mà nếu bạn nào không ngại có thể thưởng thức thử đó là món chuột đồng nướng muối ớt hay chuột đồng quay lu, chuột đồng gác bếp. Chuột được chế biến rất cẩn thận ướp gia vị vừa ăn rồi nướng lên vàng ươm, thơm ngon tuyệt hảo, khi ăn cái vị béo mềm tan ra trong miệng, không thể cưỡng lại được.
Trải nghiệm rừng tràm Trà Sư với món ẩm thực gỏi sầu đâu
Theo người dân nơi đây, cây sầu đâu là loại cây thân cao, thẳng, lá sầu đâu được chế biến thành các món gỏi. Vì vậy mà lá thường được bán thành mớ ngoài chợ, giống như rau.
Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Người dân nơi đây thường chọn lá sâu đâu non mềm để làm gỏi.
Để món ăn này thật tươi và ngon, hoa và lá non từ cây sầu đâu sẽ được chần trước qua nước sôi để giảm vị đắng; sau đó trộn cùng cá sặc nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc, dưa leo, ớt sừng trâu thái mỏng; cuối cùng rưới lên trên nước mắm chua ngọt pha sẵn cho ngấm gia vị trước khi bày ra đĩa ăn. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là nước chấm gỏi là nước mắm me chua ngọt, chính sự hài hòa của vị chua, cay, mặn, ngọt khiến cho món ăn trở nên vô cùng hấp dẫn.