Trước việc Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung”, tái phân phối tài sản trong xã hội, giới giàu có Trung Quốc không thể ngủ ngon.
Bloomberg nhận xét, giới nhà giàu Trung Quốc hiện trong trạng thái phòng thủ. Nhiều người đã xoá hồ sơ trên mạng xã hội hay tìm cách gửi tiền sang nơi khác để tránh rủi ro.
Hiện xu hướng bảo vệ tài sản đang xuất hiện nhiều hơn ở giới thượng lưu Trung Quốc, những người trong nhiều năm được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ và thái độ nới lỏng với tài sản cá nhân. Năm 2021, mỗi tuần, Trung Quốc lại có một tỷ phú mới, nâng tổng số cá nhân siêu giàu lên hơn 750 người, nhiều hơn cả Ấn Độ, Nga, Đức cộng lại. Hiện số lượng tỷ phú của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ.
Nhưng gió đã đổi chiều. Dù quan chức Trung Quốc đảm bảo rằng “thịnh vượng chung” không phải là “lấy của người giàu”, các nhà quản lý tài sản vẫn cảnh báo nỗ lực thu hẹp khoảng cách xã hội có thể tác động không nhỏ đến những cá nhân giàu có.
Trung tâm của lo ngại này là sự không chắc chắn về những gì sẽ được thực thi và điều gì xảy ra tiếp theo với thông điệp “tái phân phối tài sản”. Đến nay, Bắc Kinh đã áp dụng giới hạn với một loạt ngành công nghiệp và phương thức làm việc. Họ cũng đang thảo thuận công khai về chính sách thuế tài sản mới.
Echo Zhao, chuyên gia tư vấn cho giới siêu giàu tại Công ty Luật Shanghai SF cho biết: “Vài năm trước, mọi người chỉ quan tâm tìm cách đầu tư. Giờ đây họ không còn háo hức nắm bắt cơ hội”.
Trước tình hình mới, các nhà quản lý tài sản cho biết, bước đầu tiên của giới siêu giàu là cố gắng tránh sự chú ý của dư luận, đặc biệt là trên mạng xã hội. Wang Xing, nhà sáng lập công ty giao đồ ăn Meituan đã mất 2,5 tỷ USD sau khi đăng một bài viết được cho là nhạy cảm. Nữ diễn viên Trịnh Sảng, sau bê bối nhờ mang thai hộ nổ ra trên mạng, đã bị điều tra trốn thuế và bị buộc bồi thường 46 triệu USD.
Một cố vấn tài chính cho biết, các khách hàng Trung Quốc đang ngày càng rời xa các mạng xã hội, bao gồm Weibo, một nền tảng tương tự như Twitter. Họ cũng từ chối các cuộc phỏng vấn với truyền thông.
Bên cạnh đó, người giàu cũng tăng cường hoạt động chuyển tiền. Đây vốn không phải là điều quá xa lạ với giới này. Bởi Trung Quốc vốn thắt chặt quản lý ngoại tệ khi mỗi người dân chỉ được nắm 50.000 USD khiến người giàu tìm cách cất trữ tiền ở nước ngoài.
Các quy định mới như cấm giao dịch tiền số (một phương pháp chuyển tiền ra nước ngoài đang dần trở nên phổ biến) và lệnh hạn chế di chuyển do Covid-19 khiến việc chuyển tiền ra nước ngoài khó khăn hơn.
Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu của chuyển tiền ngầm làm chi phí của nó cũng tăng tương ứng. Một số khách hàng đã phàn này về tiền hoa hồng lên đến 20%, thay vì ở mức một con số hồi năm ngoái.
Một nỗi lo khác với giới nhà giàu Trung Quốc là thuế thừa kế có thể bị áp đặt trong thời gian tới. Điều này đã làm tăng sự quan tâm của các gia đình giàu có với các quỹ tín thác. Tuy nhiên, dù ra mắt gần 10 năm trước và có thể đạt giá trị đến 1.600 tỷ USD vào cuối năm nay, dịch vụ này vẫn được xem là khá mới ở Trung Quốc, khiến nhiều người cũng đặt dấu hỏi về khả năng bảo vệ tài sản của họ. Do vậy, một số người giàu khác chọn gửi tiền đến các thiên đường thuế như quần đảo Cayman, Bermuda, quần đảo Virgin thuộc Anh…
Adrian Zuercher, chuyên gia của UBS Global Wealth Management nói rằng, mục tiêu “thịnh vượng chung” mang lại sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư trong nước.
“Chúng tôi khuyên khách hàng xem xét các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi do chính sách chú trọng đổi mới, công nghệ xanh như năng lượng tái tạo hay xe điện thay vì những lĩnh vực ít mang tính chiến lược của quốc gia”, ông nói.
Các đơn vị tư vấn cũng đề xuất khách hàng Trung Quốc hướng đến thị trường nước ngoài. Hiện danh mục tài sản, đầu tư của họ đang giữ phần lớn ở trong nước với tỷ lệ 30-50%. Theo đó, việc đầu tư ra nước ngoài có thể xem là hàng rào phòng vệ trước những cú sốc về kinh tế trong nước cũng như các vấn đề của thị trường bất động sản.
Đức Minh (Theo Bloomberg)