Sau 5 tháng khởi công, các nhà thầu trên cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng mới nhận được hơn 10% tổng diện tích mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn dự án.
Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công ngày 21/4, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Tuy nhiên, sau 5 tháng khối lượng thi công chưa đáng kể do công tác giải phóng chưa hoàn thành theo tiến độ yêu cầu.
Ở gói thầu 04 trên xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, ông Phạm Lê Hưng, Chỉ huy trưởng công trường thuộc nhà thầu Trung Thành, cho biết gói thầu cao tốc dài 16,4 km song đến nay đơn vị mới được bàn giao 1,2 km mặt bằng. Nhà thầu thực tế chỉ thi công được khoảng 600 m do nhiều nhà ở, đường điện chưa được di dời.
Mấy tháng qua, nhà thầu Trung Thành chỉ bố trí 10 thiết bị máy móc và 20 lao động để đào, đắp nền đường. “Thiếu mặt bằng nên người lao động lúc làm, lúc nghỉ. Máy móc, thiết bị hoạt động không đủ công suất gây lãng phí, làm tăng chi phí cho nhà thầu vì vẫn phải trả lương cho người lao động, khấu hao máy móc”, ông Hưng nói.
Các gói thầu 02 qua huyện Cao Lộc, gói 03 qua huyện Chi Lăng cũng tương tự, hàng loạt máy móc, thiết bị và công nhân nằm tại công trường chờ đợi mặt bằng. Một nhà thầu tại gói thầu 02 cho biết mưa bão thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, nhiều thời điểm phải dừng thi công. Hiện thời tiết nắng ráo, các đơn vị phải tranh thủ tăng cường thiết bị, nhân lực nhằm đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, họ phải chờ đợi từng mét mặt bằng được bàn giao từ địa phương.
“Chúng tôi lo ngại công tác giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến dự án. Theo tiến độ, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng phải hoàn thành tuyến chính vào cuối năm 2025”, đại diện doanh nghiệp dự án – Tập đoàn Đèo Cả nói.
Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và hai đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam dài 59 km. Diện tích đất cần thu hồi là 536 ha ở các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác bồi thường, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để triển khai thi công đạt 70% trong tháng 9 và hoàn thành trong tháng 12.
Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp dự án, đến giữa tháng 9, các huyện mới bàn giao cho đơn vị thi công 12,6 km trong tổng số 59 km cao tốc, diện tích mặt bằng được bàn giao 81 ha trong tổng số 557 ha (chiếm 19%). Phần lớn mặt bằng còn tình trạng “xôi đỗ”, xen kẹt giữa đất đã giải tỏa và công trình nên các nhà thầu mới thi công được trong phạm vi bàn giao khoảng 70 ha.
Lý giải việc chậm bàn giao mặt bằng, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các huyện chưa hoàn thành nhiều công việc như di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng để thực hiện dự án, thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư, tiến độ kiểm đếm đất đai chậm.
Công tác xây dựng khu tái định cư tại các huyện Cao Lộc, Văn Lãng còn kéo dài. Hiện nay các huyện mới bước đầu lập quy hoạch nên chưa thể di dời người dân đến nơi ở mới.
Tại cuộc họp giữa tháng 8, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các huyện, thành phố tập trung bàn giao mặt bằng đoạn ưu tiên theo đúng mốc thời gian đã đề xuất; tiếp tục chỉ đạo các huyện đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các mũi thi công theo đề xuất của doanh nghiệp dự án, các vị trí xây dựng cầu, hầm chui.
UBND các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định phải khẩn trương di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, xây dựng khu tái định cư, đảm bảo có đất tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân di chuyển chỗ ở chậm nhất ngày 30/9. Các huyện phải vận động người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tạm ứng kinh phí bồi thường và bàn giao trước mặt bằng để thi công.
Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài hơn 43 km, điểm đầu tại quốc lộ 1 kết nối đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Cao tốc được đầu tư 4 làn xe, nền đường 17 m ở giai đoạn 1. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được nâng lên 6 làn xe, rộng 32 m.
Hai đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17 km, quy mô 2 làn xe, rộng 14,5 m ở giai đoạn đầu, sau đó nâng lên 4 làn xe, rộng 22 m khi hoàn chỉnh. Dự án có tổng đầu tư hơn 11.020 tỷ đồng, hình thức hợp đồng BOT.