Theo nhiều chuyên gia, chính sách nhân tài hiện nay mới tập trung vào thu hút, đãi ngộ, chưa quan tâm đúng mức đến trọng dụng.
Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại hội nghị xin ý kiến chuyên gia do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức cuối tuần qua, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, cho biết dự thảo đã xác định rõ khái niệm nhân tài.
Đó là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội, có tinh thần cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có công trạng, thành tích, tạo nên sự tiến bộ, sự phát triển một tổ chức, ngành, lĩnh vực, địa phương.
Nguồn nhân tài được tìm kiếm và phát hiện trong phạm vi rộng: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp giỏi, xuất sắc; người có học vị, học hàm có công trình được công nhận, ứng dụng vào đời sống; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ và người ở các khu vực khác.
“Tìm kiếm, thu hút nhân tài không phân biệt vùng miền, quê quán, độ tuổi, trong hay ngoài Đảng, trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ, phân biệt đối xử”, ông Tuấn nói, cho rằng ở đâu cũng có người tài và với nhân tài thì tuổi tác không phải là yếu tố quyết định.
Góp ý vào dự thảo, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, nêu quan điểm “muốn thu hút được nhân tài thì phải trọng dụng họ”. “Nhiều nơi có chế độ đãi ngộ tốt cả về lương, chỗ ở, đi lại, sinh hoạt, nhưng vì sao người tài vẫn ra đi? Phải chăng gốc rễ là việc trọng dụng họ như thế nào? Thu hút được nhân tài nhưng họ có thực sự được trân trọng, tạo điều kiện, môi trường làm việc hay không?”, ông Dĩnh nêu vấn đề.
Ông Dĩnh dẫn chứng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, khi đến cơ quan nhà nước làm việc có thể phải đi quét dọn, pha trà nước chứ chưa chắc được giao việc quan trọng. Như vậy là “cách sử dụng người không đúng, chưa tin tưởng họ”.
Theo ông Dĩnh, người có năng lực nổi trội cần được bố trí đúng lĩnh vực để họ phát huy tài năng và không thể coi người tài cũng như nhân viên mới, trải qua tuần tự từng bước theo quy trình như việc tuyển người ở cơ quan nhà nước hiện nay.
Chia sẻ quan điểm nêu trên, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng cho rằng thời gian qua việc thu hút nhân tài chưa chuẩn. Một số địa phương cấp nhà, cấp tiền cho người tài nhưng giao việc không rõ hoặc quá rộng khiến họ không làm được. Sau một thời gian, nhiều người tài nghỉ việc vì lương cao nhưng không đóng góp được.
Vì vậy, ông đề nghị cần xây dựng kế hoạch bao quát về chế độ đãi ngộ, nguyên tắc thu hút và trọng dụng nhân tài. Ngoài đãi ngộ, thưởng bằng tiền, hiện vật, thăng tiến khi họ có công trình mang lại hiệu quả thì cần tạo môi trường để người tài yên tâm cống hiến, đóng góp, phát huy tài năng.
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ cho rằng nhân tài không nhất thiết phải đủ tiêu chí như dự thảo và không chỉ giới hạn ở khu vực công để tránh bỏ lỡ đội ngũ nhân tài khu vực tư. Các nhà khoa học, chuyên gia viết định hướng, kế hoạch phát triển, nhà lý luận cũng cần được coi là nhân tài.
Từ kinh nghiệm thực tế thu hút và trọng dụng người tài ở TP HCM thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hải, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho rằng điều quan trọng nhất để thu hút người tài là phải có chính sách. “Không có chính sách thì không thu hút được bởi người tài mà vào làm việc trong cơ quan nhà nước, lĩnh lương như mặt bằng chung hiện nay thì không ai vào”, ông nói.
Tại TP HCM, trong thời gian thí điểm, người tài vào cơ quan nhà nước làm việc được trợ cấp 100 triệu đồng, lĩnh lương mức chuyên gia, sinh hoạt phí 30-50 triệu đồng, ai không có nhà công vụ được cấp thêm 7 triệu mỗi tháng. Những người này được khuyến khích có công trình cụ thể, được thưởng tùy theo giá trị.
Bài học thứ hai ông Hải nêu ra là cần xây dựng quy chế tuyển chọn người tài, “bởi đây là việc rất khó, gây nhiều tranh luận”. TP HCM đã áp dụng cơ chế sau khi nộp hồ sơ, người ứng tuyển có buổi trình bày những điều đã làm được, sau đó được thành phố ký xác nhận là người tài.
Bài học thứ ba là mỗi địa phương cần đánh giá xem mình đang cần người tài lĩnh vực nào để có chính sách thu hút, trọng dụng. Đơn cử TP HCM cần đi tìm vật liệu mới và phát triển công nghệ vật liệu mới, lĩnh vực công nghệ vi cơ điện tử, nên đã tìm người những lĩnh vực này.
“Hoặc như hiện nay TP HCM đang rất cần người tài năng giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông”, ông Hải nêu và cho rằng để thu hút người tài mỗi bộ ngành, địa phương cần có cơ chế rõ ràng, vượt trội.
TS Bùi Trường Giang, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, lại cho rằng sử dụng nhân tài quan trọng hơn sở hữu họ. “Việt Nam nên xây dựng trung tâm nhân tài để tạo môi trường nuôi dưỡng, phát triển, tận dụng khả năng của họ. Các cơ quan nhà nước cần có cơ chế đột phá để rút ngắn tuần tự sử dụng người tài”, ông Giang đề xuất.