Người dùng nên thường xuyên lau ống kính, hạn chế dùng zoom số, cầm máy bằng hai tay và tận dụng công nghệ chống rung OIS để ảnh chụp rõ nét hơn.
Đa số các dòng smartphone hiện nay đều được trang bị camera cảm biến “khủng” cùng loạt công nghệ hiện đại. Cùng với sự phát triển của smartphone, hình ảnh chụp bằng điện thoại cũng được nẩng cao chất lượng, dần rút ngắn khoảng cách với ảnh chụp từ các máy chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có không ít những bức ảnh mờ, nhòe do thiếu sáng, chụp khi di chuyển hay cầm không chắc tay. Dưới đây là một số cách giúp người dùng cải thiện chất lượng, độ sắc nét của bức ảnh.
Làm sạch ống kính
Trong quá trình sử dụng, bề mặt camera sẽ thường bám dính dấu tay, mồ hôi, chất bẩn. Hoặc khi để gần hơi nước nóng, camera điện thoại cũng có hiện tượng mờ đục. Điều này khiến các chi tiết trong ảnh mờ đi, không rõ nét.
Do đó, để cải thiện chất lượng hình ảnh, cần giữ sạch đường quang học của ống kính. Ngoài việc sử dụng ốp lưng có nắp che camera, có thể mua ở cửa hàng bán máy ảnh hoặc mắt kính bất kỳ một miếng vải lau chuyên dụng. Dùng vải này lau sạch bề mặt camera trước khi bấm máy, sẽ giúp bức ảnh trông rõ nét hơn.
Hạn chế sử dụng tính năng zoom số
Hầu hết camera trên smartphone hiện nay đều có chiều dài tiêu cự cố định và tương đối rộng, trong khoảng từ 28 mm đến 35 mm. Do đó, công nghệ được sử dụng chủ yếu là zoom kỹ thuật số, thay vì zoom quang như trên máy ảnh DSLR chuyên nghiệp.
Vì không cần đến các yếu tố cơ học và ống kính quá nhiều, nên về cơ bản, zoom kỹ thuật số chỉ là sử dụng thuật toán nội suy để phóng to ảnh, cắt các khu vực xung quanh cảnh vật để làm cho có vẻ như bạn đang tiến gần đến đối tượng hơn. Chức năng zoom cũng được nhiều người dùng smartphone sử dụng khi muốn chụp chủ thể ở xa. Tuy nhiên trên thực tế, việc zoom khi chụp ảnh bằng điện thoại sẽ khiến bức ảnh trở nên mờ, mất chi tiết, chất lượng thấp hơn.
Hiện nay, nhiều đời máy cao cấp còn tích hợp công nghệ AI hoặc thuật toán thêm điểm ảnh để giữ chi tiết trong ảnh khi phóng to. Dù vậy, ảnh chụp ra vẫn không thật sự chất lượng như zoom quang. Do đó, để đảm bảo chất lượng hình ảnh khi cần phóng ảnh, người dùng nên tiến lại gần chủ thể nhất có thể.
Chụp trong điều kiện ánh sáng tốt
Bên cạnh bố cục, ánh sáng là yếu tố quan trọng để tạo ra một bức ảnh đẹp, sắc nét. Khi tận dụng được nguồn sáng tốt, màu sắc bức ảnh sẽ trở nên sinh động, có điểm nhấn và chân thực hơn. Do đó, khi bắt đầu chụp, bạn nên quan sát hướng ánh sáng và lượng sáng xung quanh, từ đó lựa chọn góc chụp phù hợp hoặc bật các tính năng hỗ trợ như Flash, chế độ HDR cân bằng độ tương phản giữa các vùng.
Thông thường, camera trên điện thoại thường có khẩu độ cố định và sử dụng tốc độ màn trập để điều khiển độ sáng môi trường. Trong điều kiện ánh sáng yếu, màn trập sẽ mở lâu hơn để thu đủ ánh sáng, giúp tạo ra hình ảnh. Tuy nhiên, tất cả các chuyển động của vật thể cũng đều được ghi lại trong thời gian mở màn trập, tạo ra hiện tượng bóng mờ. Để xử lý ánh sáng môi trường yếu, bạn cũng có thể tăng thiết lập ISO, giúp các cảm biến tăng độ nhạy sáng. Tuy nhiên, hình ảnh thu được thường bị hạt (nosier) và ít chi tiết hơn.
Cầm máy chắc hai tay
Với loạt công nghệ camera ngày càng được cải tiến, smartphone đã chiếm ưu thế về sự tiện lợi, tính linh động, hỗ trợ người dùng chụp ảnh nhanh trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, chính tính nhỏ gọn cùng trọng lượng nhẹ cũng là điểm gây khó cho người dùng, dẫn đến việc dễ bị rung tay, lấy nét kém, khiến ảnh bị mờ, nhòe.
Để ảnh rõ nét, người dùng buộc phải cầm máy chắc bằng hai tay. Khi chụp ảnh ngang, người dùng đặt ngón trỏ dọc theo cạnh trên của máy, các ngón còn lại ôm lấy thân máy để không làm che ống kính. Khi chụp ảnh dọc, dùng một bàn tay cầm chắc phía dưới điện thoại, tay còn lại hỗ trợ giữ và chụp.
Bạn cũng có thể cài đặt chụp bằng nút điều chỉnh âm lượng nhằm giảm thiểu khả năng bị rung tay, thay vì chạm vào màn hình cảm ứng để chụp như thông thường. Với những bức ảnh cố định, bạn cũng có thể dùng chân máy mini để cố định thiết bị, hỗ trợ chống rung tốt hơn.
Tận dụng công nghệ chống rung OIS
Trong quá trình chụp ảnh, sẽ có những lúc người dùng không thể cầm điện thoại bằng cả hai tay, phải chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, chụp đêm, chụp khi di chuyển hoặc chụp cảnh chuyển động nhanh. Khi đó, khung hình sẽ thường không ổn định, dẫn đến ảnh bị nhòe, mờ. Lúc này, công nghệ chống rung quang học (OIS) tích hợp trên điện thoại sẽ phát huy hiệu quả.
OIS sử dụng chip cảm biến để nhận biết sự rung động của điện thoại khi chụp ảnh. Chip này sẽ gửi thông tin đến bộ vi xử lý, từ đó điều khiển các bộ phận bên trong ống kính, di chuyển, xoay, quay lệch góc, nghiêng… ổn định thấu kính và giảm thiểu tối đa rung động.
Khi xem thông số kỹ thuật điện thoại, nếu tại thông tin của camera có mục OIS, nghĩa là điện thoại có tính năng này. Nếu trước đây, công nghệ chống rung quang học chỉ có trên các dòng điện thoại cao cấp hoặc cận cao cấp, thì giờ đây, OIS đã được trang bị trên các dòng điện thoại tầm trung.
Nổi bật trong số đó là Galaxy A52s 5G – smartphone tầm trung mới ra mắt của Samsung tại thị trường Việt Nam vào giữa tháng 9. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc đã tích hợp chống rung cả chế độ chụp và quay trên sản phẩm này. Khi kết hợp với tính năng siêu ổn định (Super Steady), máy cố định khung hình và giảm thiểu tối đa tác động rung lắc, giúp bắt nét nhanh, thu nhiều ánh sáng hơn để cho ra ảnh, video sắc nét cao, khung hình ít bị rung lắc.
Với bộ 4 camera, trong đó camera chính lên đến 64 megapixel, Galaxy A52s 5G mang lại chất lượng hình ảnh rõ ràng, sắc nét trong mọi chế độ, giúp người dùng bắt trọn từng khoảnh khắc đời thường. Máy trang bị camera góc siêu rộng 12 megapixel lên đến 123 độ, có thể chụp trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Trong khi đó, hai camera macro 5 megapixel dùng tùy chỉnh tiêu cự để tập trung vào chủ thể hay trải nghiệm chụp cận cảnh ở khoảng cách 3-5 cm.
Ngoài ra, Galaxy A52s 5G còn được nâng cấp cấu hình đi kèm chipset mạnh hơn, trang bị sạc nhanh, chuẩn kháng nước IP67, mang đến trải nghiệm chất lượng hơn cho người dùng.
Hà Thanh