Trên con đường cõng chữ lên non, có thầy giáo xa vợ con 17 năm, cắm bản ở điểm trường ngã ba biên giới, có cô giáo phải sau 10 năm mới được
ăn cơm chung với chồng, con cái chia đôi.
Đêm 28/11/2013, mưa lạnh lắc rắc rơi trên đất Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu, Sơn La. Trong căn phòng công vụ quây ván gỗ của mấy giáo viên
trường tiểu học, vợ chồng cô Quàng Thị Sỏm nằm đợi gà gáy để đèo nhau vượt 30 km xuống huyện, nhập viện chờ sinh.
Nhưng cô bé trong bụng Sỏm không muốn theo kế hoạch bố mẹ. Nửa đêm, thai phụ thức giấc vì những cơn đau bụng. Sỏm lay chồng, thở nhọc: “Em
sinh”.
Thầy Thiệu chưa kịp dụi mắt, hốt hoảng chạy sang đập cửa phòng vợ chồng đồng nghiệp, nhưng cả bốn người họ đều bối rối vì không ai biết đỡ đẻ,
bệnh viện quá xa.
Nóc nhà gần nhất cách đó 200 m là nơi ở của vợ chồng người trông trường. “Tao chỉ biết đỡ cho bò, cho dê. Chịu thôi”, người phụ nữ Thái lắc
đầu ái ngại, nhưng cũng không thể nào từ chối.
Hơn nửa giờ sau, tiếng trẻ con khóc oe oe cất lên giữa mảng rừng khuya yên ắng. Người mẹ xanh xao nặng chưa tới 40 kg ôm cô bé nhỏ xíu trên
ngực, dây rốn còn đang lủng lẳng một đoạn cáp sạc điện thoại buộc vội vàng. Cô Sỏm nắm tay chồng, nước mắt trào ra.
Tròn 3 năm trước, cô Sỏm và thầy Thiệu về chung nhà sau 2 năm yêu từ thời sinh viên. Cô gái Thái 22 tuổi khăn gói đi 100 km về nhà chồng ở xã
Nậm Ty, huyện Sông Mã. Trong khi đó, Thiệu còn 2 năm nữa mới học xong ngành sư phạm tiểu học tại Đại học Tây Bắc.
Một tuần sau, Sỏm có quyết định công tác về trường mầm non xã Chiềng Phung, cách nhà hơn 20 km đường rừng. Vừa ra trường đã có việc, cô giáo
trẻ mừng rơn và mong ngày Thiệu ra nghề để về gần, vợ chồng sáng đưa nhau đi dạy, chiều đón nhau về cùng ăn tối. Nhưng cô không ngờ phải 10 năm
sau, bữa cơm ấy mới trở thành sự thật.
Năm 2015, trung bình mỗi trẻ em dân tộc thiểu số phải vượt 2,4- 3,8 km để đến trường tiểu học và trung học cơ sở. Sáu năm sau, với nỗ lực của
toàn xã hội, con số này xuống còn 2,3- 3,7 km.
Khoảng cách từ nhà đến trường của trẻ dân tộc thiểu số liên tục được nhắc đến trong các báo cáo về giáo dục vùng sâu vùng xa Việt Nam để minh
chứng cho những bước tiến của ngành. Song có một loại khoảng cách chưa từng xuất hiện trong những văn bản này, là quãng đường từ nhà của các giáo
viên vùng cao đến địa điểm dạy học.
Một cô giáo của điểm trường tiểu học xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không nhận ra công tơ mét chiếc xe máy của mình đã lên gần
20.000 km sau 11 tháng. Tính ra, trung bình mỗi ngày cô phải đi 70 km đường rừng.
Việt Nam đang thiếu tới gần 95.000 giáo viên, chủ yếu cấp mầm non, tiểu học, con số khiến chính Thủ tướng cũng thắc mắc trong hội nghị tổng
kết năm học, cuối tháng 8 vừa qua. Lãnh đạo một tỉnh vùng Tây Nguyên ngay sau đó phân trần, địa phương mình có những thôn làng cách trung tâm xã
tới 95 km, không thể gộp, song cũng không thể xoá sổ những điểm trường nhỏ lẻ. Những người giáo viên, khi này, trở thành cầu nối gần như duy nhất
của bọn trẻ và cả cha mẹ chúng, với thế giới bên ngoài.
Hàng chục năm qua, ngành giáo dục Việt Nam vẫn chưa hết trăn trở với câu chuyện thừa- thiếu người dạy học, phần lớn trở ngại do đặc thù địa lý
chia cắt. Trong khi đợi một giải pháp tối ưu, những giáo viên miền núi như cô Sỏm chấp nhận vượt những hành trình tới với học trò mà giờ đây, họ
đã không còn đo bằng kilomet, mà đo bằng cả thanh xuân và hạnh phúc riêng của mình.
***
Năm 2012, khi chồng tốt nghiệp sư phạm, năm người nhà Sỏm chia nhau ở ba nơi. Bố mẹ chồng ở quê nhà Nậm Ty, cô Sỏm đem con gái, khi ấy mới 13
tháng tuổi, đi cắm bản tại khắp các điểm trường quanh xã Chiềng Phung, còn thầy Thiệu được phân công lên tiểu học Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu,
ăn ngủ tại nhà công vụ, đôi ba tháng mới về thăm vợ con, cha mẹ.
Cô Sỏm nhớ lần rơi nước mắt đầu tiên khi xa chồng bắt nguồn từ một điều rất nhỏ nhặt: không biết đi xe máy. Từ ngày yêu nhau đến lúc ấy, mỗi
lần về nhà, Sỏm vẫn luôn là người ngồi sau, đèo cao vực thẳm gì cô cũng chỉ bám chặt lấy lưng chồng là sẽ bình yên về đến tận bậc cửa. Giờ cô
không chỉ phải tự lèo lái, mà sau lưng còn con nhỏ.
Sỏm ban đầu không phân biệt được chân phanh với chân số xe máy, lên dốc không biết lên, đến đoạn đường đá gộc là ngã toét đầu gối. Cuối tuần,
nghĩ đến đoạn đường núi về quê thăm cha mẹ chồng, cô giáo mầm non vừa sốt ruột muốn đi, vừa sợ hãi, ngại về.
Nhưng vài tháng sau, cũng con đường ấy, người Nậm Ty không còn gặp cảnh cô giáo trẻ địu con đứng khóc cạnh xe máy trên đoạn suối chảy siết,
đợi người qua giúp. Sỏm giờ thuộc từng gốc cây, đoạn dốc, tuần nào cũng về lo lợn gà, gieo ngô, vùi sắn, làm nương đỡ bố mẹ chồng.
Nhưng phụ nữ rèn luyện được sự mạnh mẽ không có nghĩa họ không cần người đàn ông của mình ở bên. Sau cuộc sinh nở lần 2 giữa chái nhà công vụ
khi lên thăm chồng, những năm tháng chia ly của gia đình cô giáo trẻ chưa chấm dứt.
Thầy Thiệu thương vợ, nhưng không được chọn nơi công tác, nên chẳng biết làm gì hơn. Hai cô bé con đều còn quá nhỏ để tách khỏi mẹ, Sỏm đành
hai nách hai đứa, trở lại Chiềng Phung, ngày ngày vắn quần, đánh vật với con đường vào điểm bản để chăm 22 đứa con của những ông bố bà mẹ khác,
tối về mới được chăm con mình.
Con bé Thư, khi ấy ba tuổi, được cô Sỏm gửi ngay vào lớp của đồng nghiệp, ở trung tâm. Con Phương chưa kịp cai sữa, Sỏm đành quấn tròn trong
khố, bó trước ngực, đem theo vào trong bản.
Niềm vui duy nhất của ba mẹ con suốt tuần, chỉ là tối thứ sáu, hoặc sáng sớm thứ bảy cuối tháng, khi bóng dáng và tiếng ì ạch quen thuộc của
Thiệu trên con xe máy cà tàng xuất hiện trước cổng trường mầm non của Sỏm.
“Bao giờ nhà mình mới được gần nhau nhỉ?”. Thầy Thiệu hiểu câu hỏi tu từ của vợ, nhưng chưa bao giờ có thể trả lời. Công việc của Sỏm cả ngày
xoay quanh những đứa trẻ, cuối ngày, lại một tay chăm hai đứa con mình. Từ mọc răng, lên sởi, ho hắng, Thiệu chỉ biết khi bệnh tật đã qua và
chúng đã hồng hào tươi tắn, còn hốc mắt vợ mỗi ngày một sâu. Đó cũng là điều thúc đẩy cuộc chia ly thứ tư của gia đình họ, sau đó 2 năm.
Con gái lớn đã đủ tuổi lên lớp 1, thầy Thiệu bàn với vợ chia con ra chăm để chị đỡ vất vả. Bé Thư sẽ theo anh lên Thuận Châu, học lớp 1 tại
trường bố dạy còn bé Phương 3 tuổi, sẽ ở lại với mẹ.
Ngày con gái leo lên ngồi sau xe bố, chuẩn bị hành trình đầu đời xa mẹ, chính cô Sỏm lại là người khóc nhiều hơn. Con bé ngoan theo bố đi 80
cây số, đêm lăn lóc ngủ, còn mẹ nó nhớ con, khóc mấy đêm liền. Bốn năm đó của cô Sỏm gói gọn trong cụm từ “sút cân điên cuồng”. Nỗi nhớ chồng
ngày xưa, giờ tăng lên gấp đôi.
***
Một đêm tháng 12/2004, cách cô Sỏm 400 km ngược lên biên giới phía bắc, trên độ cao hơn 1.500m của xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé,
tỉnh Điện Biên, trời khô ráo nhưng rét buốt. Thầy Lường Văn Dũng cùng nam đồng nghiệp đang ngồi trong góc phòng giáo viên, cời than đun ấm chè Hà
Nhì uống cho ấm bụng. Một phụ nữ trong bản hớt hải đến báo tin: “Thầy Dũng, có người đến thăm”.
Dũng cười, đáp lại bằng mấy câu tiếng Hà Nhì tếu táo vì nghĩ chị đùa. Vài phút sau, một cô gái bỗng xuất hiện trước bậc cửa, đặt thịch cái ba
lô vải xuống đất rồi ùa đến ôm lấy Dũng khi khắp áo quần, chân tay cô còn lấm lem bùn đất. Cô gái ấy chính là Dung, bạn gái anh.
Nồi cơm rau ban tối 2 thầy ăn đã trơ đáy. Bạn đồng nghiệp chạy xuống bản, năn nỉ vợ hiệu trưởng bán chịu cho con gà còi để về đãi khách từ xa
đến. Nhớ lại cuộc hội ngộ 17 năm trước với người hôm nay đã là mẹ của hai con gái mình, thầy Dũng tư lự: “Lúc ấy, trong hai đứa, mình là đứa khóc
nhiều hơn”.
Năm 2001, sau ba năm học cùng cấp ba Hữu nghị Việt Lào, Dũng theo học ngành sư phạm trên Điện Biên, còn Dung học phát thanh truyền hình dưới
huyện Thường Tín, Hà Nội. Họ duy trì mối tình xa bằng những lá thư gửi hôm nay, vài tuần sau mới tới. Cô gái Tày, quê Thái Nguyên, sau khi tốt
nghiệp, ưng lòng theo bạn trai người Thái lên Điện Biên lập nghiệp, chấp nhận xa quê hơn 500 km. Tháng 6/2004, chàng trai tốt nghiệp ngành sư
phạm Toán- Lý, nhưng được phân công về tận cực tây (xã Sín Thầu) cách cha mẹ và bạn gái tới hơn 3 ngày đường.
Gặp lại cô sau hơn ba tháng xa cách, thầy Dũng nhớ lại gian khổ hành trình mình từng qua khi vào đây, ứa nước mắt thương.
Như nhiều mốc thời gian trôi qua đời mình, thầy Dũng chưa quên buổi sớm 8/9 của 17 năm trước, khi cầm tờ giấy giới thiệu và phân công công
tác, rời phòng Giáo dục huyện Mường Nhé. Con đường vào bản với học trò của thầy, giờ còn 120 km. Trung tâm phố huyện khi ấy có đúng ba quán bán
bánh kẹo, chăn nhung, cũng là ba nhà duy nhất có xe máy.
Thầy giáo trẻ địu balo nặng sách giáo khoa, lật đật quanh phố huyện năn nỉ họ chở mình. Con xe Simson “vừa đi vừa đẩy” chỉ tiễn chân Dũng 70
km, đến đúng đầu cầu Tà Hang, khi kết thúc đường mòn. Đứng bên này cầu nhìn sang bên kia, xã Mường Toong chỉ là một màu rừng già trập trùng, hun
hút.
Cục tiền lẻ, tổng cộng 1,5 triệu đồng, bố mẹ ấn vào tay đêm trước, thầy Dũng cuốn vào mùi xoa, nhét đáy balo, hôm nay lại mở ra trả tiền xe
ôm, hết đúng 800.000 đồng. Dũng đã đi vào với học trò bằng 700.000 đồng, 2 bộ quần áo và một ba lô đầy sách, cắm đầu đi mà không biết đường, cũng
không biết khi nào sẽ đến nơi.
Nhưng sau ba ngày cắt rừng đi bộ, ngay cả những đồ đạc cơ bản ấy, cũng không theo thầy được đến cuối đường. Gặp hai nữ đồng nghiệp cùng tới
Sín Thầu dạy mầm non, thầy Dũng vừa cõng đồ của mình, vừa giúp các cô mang hành lý. Đến những đoạn suối siết, Dũng đành khui hết sách vở bỏ lại
bên đường, chỉ ôm theo bọc áo quần mà lội. Đêm buông, ba người gõ cửa nhà dân xin ăn ngủ nhờ rồi sáng hôm sau lại lên đường sớm, sau khi dúi vào
tay gia chủ mấy đồng, dù chẳng ai nỡ lấy tiền của họ.
Mái trường liêu xiêu hiện ra trước mắt sau ba ngày trèo đèo lội suối, và chỉ khi dừng lại, Dũng mới thấy toàn thân mỏi nhừ, đầu ngón chân xỏ
trên dép cao su đang bươm máu.
Ôm vợ trong cái đêm thình lình xuất hiện trước mặt mình, thầy Dũng nhủ lòng “nhất định anh sẽ không để em vất vả, xa nhau lâu”, nhưng lời hứa
18 năm trước, Dũng hôm nay vẫn đành nợ lại.
Chồng giáo viên, vợ nhà báo, tưởng rằng Dung sẽ là người hay vắng nhà, nhưng không ngờ, lại là thầy Dũng. Trong những lá thư gửi chồng, vợ anh
chỉ kể toàn chuyện vui, không bao giờ cất lời than thở, nhưng Dũng tự hiểu, trách mình “lôi con gái người ta lên tận đây mà không lo được”.
Thầy Dũng không nhớ rõ, tháng lương đầu được nhận là một triệu sáu, hay một triệu bảy, nhưng thầy chắc chắn đã không đưa nó cho vợ. Suốt hai
năm đầu đi làm, thầy bảo “không cầm nổi một đồng về nhà”.
Cả hai lần vợ sinh, Dũng đều không có mặt. Con bé lớn ra đời, phải ba hôm sau anh mới may mắn biết tin, vì có cán bộ xuống thị xã họp, về nhắn
lại. Tay viết đơn xin nghỉ, nhưng ông bố trẻ vẫn sốt ruột, không biết sẽ lấy tiền đâu để về, đành “muối mặt” xuống nhà chủ tịch xã, vay nóng được
mấy trăm nghìn.
Phải sau bảy năm làm thầy giáo, anh mới sắm được điện thoại liên lạc với gia đình. Những hôm may mắn trời quang mây tạnh, người Sín Thầu lại
thấy thầy giáo trẻ lên mỏm đá sau trường, vừa dò sóng điện thoại, vừa tíu tít chuyện trò với vợ con. Hai cô con gái anh, vì thế, lớn lên nhưng
chỉ nghe giọng bố nhiều, ít khi gặp mặt.