Khu vườn, chuồng trại, ao hồ, cống rãnh thường chứa nhiều vi khuẩn uốn ván, dễ xâm nhập cơ thể thông qua vết thương hở.
Theo bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, uốn ván có tỷ lệ tử vong 25-90%. Vi khuẩn uốn ván xuất hiện ở mọi nơi, có thể xâm nhập cơ thể người qua vết thương hở và gây bệnh. Bác sĩ Sự liệt kê những khu vực dễ phơi nhiễm vi khuẩn uốn ván như sau:
Vườn và chuồng trại
Vi khuẩn uốn ván tồn tại ở ngoài môi trường trong trạng thái không hoạt động, gọi là bào tử. Bào tử có trong đất, cát bụi, phân gia súc, gia cầm và người, thường xuất hiện ở vườn và chuồng trại trồng nhiều cây xanh, nuôi các động vật như gà, lợn, dê, ngựa. Mầm bệnh có lớp vỏ bảo vệ chắc, bền vững, có thể tồn tại trong đất 5 năm, kháng nhiều loại thuốc khử khuẩn, chỉ chết khi đun sôi 30 phút.
Người dân có thể phơi nhiễm mầm bệnh uốn ván trong quá trình làm ruộng hoặc vệ sinh chuồng trại. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân nam, 56 tuổi, hồi tháng 9 được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với biểu hiện đặc trưng khi nhiễm uốn ván. Trước đó 3 tuần, ông giẫm phải đinh gây chảy máu khi đi chân đất làm ruộng nhưng không tiêm vaccine, chỉ mua thuốc uống.
Cống rãnh
Cống rãnh chứa nhiều rác, chất thải, nước bẩn, xác động vật chết, cũng là nơi trú ngụ của bào tử uốn ván. Chúng xâm nhập khi con người dọn dẹp vệ sinh, nạo vét cống rãnh thông qua các vết thương hở, hoặc không may bị đinh, vật sắc nhọn đâm trúng.
Các công trình xây dựng
Công trường xây dựng có nhiều đinh, sắt thép, gạch, đá và các vật dụng bám bụi, đất cát chứa bào tử uốn ván. Khi các vật dụng này đâm vào da thịt, bào tử uốn ván sẽ theo vết thương đi vào cơ thể, tiết ra độc tố gây bệnh cho cơ thể.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp mắc uốn ván do dẫm phải đinh, do không đi khám, tiêm phòng huyết thanh uốn ván khiến bệnh trở nặng. Ví dụ trường hợp bệnh 44 tuổi ở Thanh Hóa, hồi tháng 7 mắc uốn ván với biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, khó ăn uống, co cứng cơ toàn thân sau khi bị đinh đâm vào chân.
Ao, hồ, sông, suối
Ao, hồ, sông, suối cũng là nơi tồn tại của vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani vì chứa nhiều phân, rác thải, bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm. Người có vết thương hở bơi lội, lội nước ở những nơi này có nguy cơ cao nhiễm uốn ván. Như hồi tháng 10, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ghi nhận một số trường hợp có vết thương hở lội nước bẩn trong mùa mưa bão và nhiễm uốn ván. Một bệnh nhân 52 tuổi khác ở Hưng Yên cũng mắc uốn ván do bị gạch rơi trúng chân khi cùng người dân lội nước đắp tường phòng lũ lụt trong cơn bão số 3 Yagi. Cả hai trường hợp này chưa tiêm vaccine uốn ván, chủ quan với vết thương nhỏ.
Phòng bệnh thế nào?
Theo bác sĩ Sự, bào tử uốn ván ở các môi trường kể trên có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương, vết trầy xước, tiêm chích, rách da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ… Nếu cơ thể không có kháng thể, nha bào uốn ván sẽ phóng thích ra độc tố xâm nhập vào sợi trục thần kinh, di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương. Người nhiễm uốn ván gặp tình trạng tăng trương lực cơ hay co cơ cứng, khi trở nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở, nguy cơ tử vong rất cao.
Những trường hợp chữa khỏi phải chịu di chứng kéo dài, trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, chi phí điều trị trung bình một ca uốn ván có thể lên đến 200 triệu đồng. Kể cả khi bệnh hồi phục có thể xuất viện người mắc vẫn chưa thể quay trở lại với công việc do hậu quả cứng cơ khớp kéo dài.
Uốn ván có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Tiêm chủng giúp Việt Nam loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, mọi người nên tiêm vaccine uốn ván đầy đủ. Trẻ em được tiêm vaccine có thành phần ngừa uốn ván bằng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 với phác đồ 4 mũi. Người trưởng thành chưa tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng cần ngừa uốn ván theo phác đồ 3 mũi, tiêm nhắc 10 năm và bổ sung khi có vết thương.
Nếu đã tiêm phòng đầy đủ, khi có vết thương lớn, người dân chỉ cần nhắc lại một mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván hoặc globulin miễn dịch uốn ván (TIG). Với phụ nữ mang thai cần tiêm ngừa uốn ván vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, tiêm nhắc trong mỗi thai kỳ tiếp theo.
Diệu Thuần