Tài xế cần kiểm tra phanh, lốp, xếp đồ nặng ở vị trí thấp, giữ khoảng cách xa, dừng nghỉ để nạp nhiên liệu/pin thường xuyên hơn khi tải nặng.
Những dịp nghỉ lễ lớn, dài ngày thường là lúc thích hợp để các chủ sở hữu ôtô chở cả gia đình, người thân đi chơi tại các tỉnh, thành phố khác. Khi đi du lịch đường dài với nhiều người, xe thường phải sử dụng toàn bộ số ghế để chở hành khách, và tải nhiều hành lý cùng vật dụng cá nhân khác cho chuyến đi. Để chuẩn bị cho một cuộc hành trình an toàn và suôn sẻ, cần có một số lưu ý trước và trong chuyến đi.
Trước chuyến đi
Chủ xe cần kiểm tra và đảm bảo các chức năng của xe hoạt động bình thường trước mỗi chuyến đi. Mục đầu tiên cần kiểm tra là lốp xe, phải đảm bảo lốp không quá mòn, và bơm đủ hơi theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thông tin về áp suất lốp được in trên bệ cửa bên tài xế.
Cần lưu ý rằng việc chở nhiều người và có nhiều hành lý trên xe, mức áp suất lốp khuyến cáo sẽ cao hơn so với khi không tải nặng. Nếu bơm không đủ hơi sẽ khiến lốp mòn không đều, ảnh hưởng cảm giác lái và có thể khiến hệ thống treo bị hư hại nếu đi qua những cung đường xấu, nhiều ổ gà.
Mục cần kiểm tra khác trên xe là các loại dung dịch cần thiết để xe hoạt động bình thường, bao gồm dầu máy, nước làm mát, nước rửa kính và dầu phanh. Tài xế có thể thực hiện những việc kiểm tra này ngay tại nhà, và thay thế ở các cơ sở chăm sóc xe nếu thiếu hụt hoặc đã quá cũ. Ngoài ra, cần kiểm tra và đảm bảo tình trạng hoạt động tốt của hệ thống đèn trên xe, bao gồm đèn trước, đèn hậu, đèn báo rẽ (xi-nhan) và đèn sương mù. Cuối cùng là kiểm tra hệ thống phanh, thay thế nếu má phanh hoặc đĩa phanh bị mòn.
Đối với xe điện, chủ xe nên sạc đầy lên mức 100% trước mỗi chuyến đi dài, đồng thời sắp xếp lộ trình dừng nghỉ để sạc cho hợp lý nhất. Nên ưu tiên dừng nghỉ ở các trạm sạc nhanh, và chỉ sạc lên mức 80% để tiết kiệm thời gian di chuyển của toàn bộ chuyến hành trình. Ngoài ra, cần lên kế hoạch dự phòng khi các trạm sạc đầy xe, vì nhu cầu sạc ở những trạm dừng nghỉ có thể tăng đột biến.
Trong chuyến đi
Viêc tải nặng có thể ảnh hưởng đến cảm giác lái của xe, như máy ỳ hơn, lốp kém linh hoạt hơn. Ngoài ra, quãng đường phanh sẽ tăng khi tải nặng, và xe sẽ tốn xăng/pin hơn bình thường.
Chính vì thế, chủ xe nên giữ khoảng cách xa hơn khi di chuyển tốc độ cao trên cao tốc để có đủ thời gian phanh trong trường hợp xe phía trước dừng đột ngột. Bên cạnh đó, không đánh lái gấp vì có thể khiến xe chao đảo mất kiểm soát, dẫn đến mất lái. Cuối cùng, việc tải năng sẽ khiến quãng đường có thể di chuyển ước tính trên xe không còn chính xác, vì thế nên dừng nghỉ để đổ xăng/sạc điện sớm hơn.
Những lưu ý khi tải nặng
Không được chở quá số người cho phép, vì xe càng quá tải càng gây nguy hiểm cho chính bản thân, lẫn các phương tiện khác. Ngoài ra cũng khiến xe dễ hư hỏng hệ thống phuộc, treo, phanh và lốp xe hơn.
Khi xếp đồ, hành lý lên xe, cần xếp những món đồ nặng ở phía dưới, gần trung tâm của khoang hành lý, xếp những đồ nhẹ lên phía trên và ở hai bên bánh. Việc xếp những đồ nặng ở trung tâm của xe sẽ giúp trọng lượng phân bổ đều lên trục, giúp xe ổn định hơn khi vào cua, hạn chế việc xe bị quăng đuôi ở những khúc cua gấp, tốc độ cao.
Tránh chất hành lý quá cao trong cốp trên những mẫu xe crossover, SUV vì việc làm này gây cản trở tầm nhìn đằng sau, tài xế sẽ không thể quan sát phía sau thông qua kính hậu bên trong xe.
Chủ xe nên ưu tiên chở những món đồ nhẹ ở trên giá nóc nếu có sử dụng phụ kiện này, và ràng buộc thật kỹ trước mỗi chuyến đi. Không chở những hành lý quá khổ, vượt chiều dài hoặc chiều rộng của xe trên giá nóc.
Hồ Tân