Tại các thủy cung VinWonders có nhiều người đã sống hàng nghìn ngày trong nhiệt độ băng tuyết để chăm bẵm, bầu bạn với với đàn chim cánh cụt và cá heo.
Khẽ nghe tiếng cửa, đàn chim cánh cụt Gentoo đang say ngủ bỗng bừng tỉnh, chạy ào ra phía cửa đón chị nuôi Nguyễn Thu Sương, nhân viên chăm sóc động vật tại Cung điện Hải vương VinWonders Phú Quốc.
Một ngày làm việc của chị Sương bắt đầu không phải với khói bụi và tiếng còi xe inh ỏi như nhiều người, mà là với những đứa con đặc biệt của mình tại ngôi nhà lạnh 2-4 độ C trong thủy cung.
Thấy chị Sương giơ cao xô thức ăn đầy ụ cá, đàn chim cánh cụt hiểu ý, ngoan ngoãn xếp thành hàng điểm danh rồi từng chú Gentoo thoăn thoắt ngửa cổ đớp miếng mồi ngon. No nê, cả đàn… tỉnh ngủ hẳn, rồi lạch bạch lấy đà trên lớp băng dày, phóng mình xuống làn nước trong xanh.
Nhìn từng bóng lưng đen lao vun vút như tên bắn, chị Sương chia sẻ, Gentoo khiến rất nhiều du khách không thể rời mắt bởi những màn rẽ nước “nhanh nhất thế giới”. Đặc biệt, các du khách nhí rất thích tính cách tự nhiên của những chú chim cánh cụt. Lúc ăn uống trật tự bao nhiêu thì khi chơi đùa chim cánh cụt lại nghịch ngợm bấy nhiêu. “Nhiều lúc, vì tranh nhau mà đứa nọ níu chân đứa kia, đứa thì chạy ra dụi đầu làm nũng để được… nhận phần hơn”, chị Sương kể.
Để những chú chim cánh cụt giữ được sự tự nhiên đó, theo lời Sương, môi trường chăm sóc đặc biệt quan trọng. Loài chim cổ xưa này chỉ thích hợp với hoàn cảnh sống đặc biệt khắc nghiệt, nơi băng tuyết và làn nước lạnh buốt. Do đó VinWonders Phú Quốc đã phải tạo ra một Nam Cực thu nhỏ, mô phỏng chân thực lại một trong những nơi lạnh nhất thế giới.
Để có thể gắn bó gần gũi với đàn Gentoo, những nhân viên chăm sóc sẽ phải cùng hít thở trong môi trường tê cóng. Sương đã gắn bó với nơi này được hơn 2.000 ngày. Là người gốc Nam, chịu lạnh kém nên Sương có những khởi đầu không mấy dễ dàng. Khi quen và gắn bó với đàn chim cánh cụt, thi thoảng có việc đi xa vài ngày, như Sương nói “quen đế mức nhớ không chịu được”.
VinWonders hiện có 3 thủy cung quy mô hàng đầu khu vực tại Phú Quốc, Nha Trang và Hà Nội với hàng trăm nhân viên chăm sóc động vật đã gắn bó nhiều năm trong môi trường lạnh giá. Song đó còn là nơi khởi nguồn của những câu chuyện yêu thương động vật cảm động, ấm áp.
Bác sĩ thú ý Nguyễn Thị Quỳnh vẫn nhớ lần một cá thể cá mú bị sình bụng. Ròng rã suốt một tuần, Quỳnh mất ăn mất ngủ dõi theo từng phút của chú cá nhằm tìm sự bất thường và nguyên nhân gây bệnh. Người bạn nhỏ bỏ ăn, tự tay chị Quỳnh phải mớm từng chút thức ăn, giúp chú cá nhỏ có sức chống chọi. Kết hợp cùng thuốc, phải đến khi cá thể nọ có sức quẫy nước, chủ động đớp mồi, Quỳnh và mọi người mới thở phào.
Đồng nghiệp của chị Phan Thị Tuyết – Trưởng bộ phận Thủy cung VinWonders Nha Trang đến tận bây giờ vẫn kể cho nhau câu chuyện chú cá heo hông trắng tên Bond.
Từ Nhật Bản, Bond về ngôi nhà mới năm 2017 với khá nhiều vết sẹo trên người – chứng tích cho những cuộc chinh chiến dày dạn ngoài đại dương. Tuyết là người đã bầu bạn với Bond từ những ngày đầu tiên. Không chỉ là những bữa ăn đầy đủ, chú cá còn được Tuyết trò chuyện, chăm sóc tỉ mỉ để hòa nhập với cuộc sống mới.
Thế nhưng sau một năm gắn bó, Tuyết có công việc đột xuất, phải nhờ người khác chăm sóc Bond trong khoảng thời gian vắng mặt. Do vội vã, chị Tuyết không kịp tạm biệt người bạn nhỏ. Chú cá heo lanh lợi những ngày sau đó bỗng mất hẳn vẻ hoạt bát thường ngày, buồn chán ai bảo gì cũng lắc đầu quầy quậy, quyết không đụng tới thức ăn.
Nghe đồng nghiệp báo tin, chị Tuyết tức tốc quay lại thủy cung. Phải tốn không ít thời gian trò chuyện, giải thích chú cá heo mới.. tỏ ý chấp nhận. Để Bond không còn “trống trải” trong thời gian chị vắng mặt, Tuyết phải giới thiệu người chăm sóc thay thế tạm thời với Bond, giúp chú làm quen dần.
Riêng với cá heo, theo lời chị Tuyết, chỉ môi trường sống là chưa đù. Là loài sống tình cảm, nhạy cảm, luôn muốn được quan tâm, cách chăm sóc chúng cũng cần linh hoạt.
Ngoài Bond, Thủy cung VinWonders Nha Trang đang chăm sóc hơn 30.000 loài sinh vật quý hiếm với hệ thống nuôi khép kín, đạt chuẩn thế giới. Mọi hành động chăm sóc, dù nhỏ nhất cũng phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, khoa học. Để có màn trình diễn cho cá mập ăn, ít ai biết các thao tác của các nhân viên đều được tuân thủ theo quy trình đặc biệt, trong đó cần sự điềm tĩnh, tốc độ di chuyển, tới khoảng cách an toàn.
Vào mùa sinh sản, sự chăm sóc lại cần sự tỉ mỉ và ưu tiên cao độ. Với cá mập mèo, từng cặp cá mỗi ngày sẽ đẻ 1 trứng. Trong 3 tháng sau đó, từng quả trứng phải được theo dõi riêng trong môi trường không khác gì tự nhiên để đảm bảo trứng nở thành con. Mọi điều kiện phải đảm bảo đúng chuẩn, từ mực nước cho đến nhiệt độ. Trong những năm qua, nơi đây đã liên tục ấp nở thành công trứng cá mập mèo để thả về tự nhiên.
Thảo Miên
Ảnh: Vingroup