Nhận được tin nhắn đề nghị quay lại của bạn trai, Hương Giang lập tức đồng ý, thay đổi hình nền, màu sắc cửa sổ chat trên Messenger, chính thức yêu lại từ đầu.
Giống ba lần quay lại trước, lần yêu lại này của cô gái 21 tuổi với người yêu cũ không cần lời giải thích cho những khúc mắc, mâu thuẫn từng khiến họ đường ai nấy đi hai tháng trước.
Hương Giang và bạn trai yêu nhau đã hai năm. Cũng từng đó thời gian cô sống trong cảm xúc thất thường. Giang hay hờn dỗi, ghen tuông khi người yêu trò chuyện thân mật với bạn khác giới, trách anh vô tâm, đến muộn trong các buổi hẹn hay chờ trả lời tin nhắn quá lâu.
Mỗi lần cãi vã, cô sinh viên năm ba một trường đại học tại Hà Nội nhiều lần nói chia tay một cách rất dứt khoát. Vài tháng sau, một trong hai người sẽ đề nghị quay lại bởi “không quên được tình cũ”.
Khi vẫn chìm đắm trong nỗi buồn chia tay, Mạnh Dũng nhận được cuộc gọi từ người yêu cũ, cùng lời đề nghị tái hợp. Đây là lần thứ 5 cặp đôi tan – hợp, mà theo ví von của chàng trai 22 tuổi quê Phú Thọ là “đi một vòng tròn cuối cùng duyên số sắp đặt để quay về bên nhau”.
Dũng kể những lần chia tay đầu anh còn níu kéo, sau này buông xuôi bởi nghĩ người yêu không tôn trọng mối quan hệ. Sau dăm bữa nửa tháng, đối phương muốn quay lại, nói bản thân còn tình cảm và mong cho nhau cơ hội. Nghĩ nguyên nhân đều xuất phát từ chuyện vặt vãnh nên Dũng đồng ý. Nhưng chuyện tình của họ chỉ yên ổn được vài tháng trước khi bước vào lần chia tay mới.
“5 lần chia tay rồi quay lại trong hơn một năm có vẻ hơi nhiều”, Dũng thừa nhận.
Lần chia tay gần nhất thấy người yêu tỏ ra rất dứt khoát, Dũng nghĩ chỉ buồn thời gian ngắn rồi mọi việc sẽ qua. Anh từng tìm hiểu mối quan hệ khác, nhưng nhận thấy không ai được bằng người yêu cũ dù cô cũng có những tật xấu. Bởi vậy, vừa nghe tiếng thổn thức đòi nối lại tình xưa, Dũng đồng ý luôn bởi “dù sao cũng có cảm giác thân thuộc”.
Những chuyện tình như của Hương Giang và Mạnh Dũng được Gen Z gọi là “yêu kiểu lò vi sóng” – ám chỉ việc quay lại nhiều lần. Ở một số nước phương Tây, mối quan hệ này được gọi với tên On-off relationship (mối quan hệ bật – tắt). Khác với tình yêu kiểu truyền thống, trong mối quan hệ này chia tay không phải chấm dứt mà là bắt đầu cho một vòng tròn hợp – tan chưa biết khi nào là điểm dừng. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medicalnewstoday của Mỹ năm 2023, 60% người trẻ thừa nhận từng trải qua mối quan hệ “kiểu lò vi sóng”.
“Sự kết thúc hay hàn gắn trong mối quan hệ kiểu này diễn ra nhanh chóng và ít sự đắn đo, suy tính”, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên tâm lý học Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Chuyên gia cho rằng, đa phần người trẻ chưa trưởng thành về mặt tâm lý xã hội, thường đưa ra các quyết định vội vàng hoặc cảm xúc bộc phát. Đó có thể là mâu thuẫn nảy sinh từ những việc vụn vặt. Trong lúc tức giận, không ai nhường ai, lời chia tay và chấp thuận chia tay được nói ra dễ dàng, không nhiều đắn đo. Tuy nhiên chia xa một thời gian, có người nhận ra vẫn còn tình cảm với người cũ và không thỏa mãn với tình trạng độc thân nên đề nghị quay lại.
Nguyên nhân thứ hai là chia tay để tìm kiếm cảm xúc mới mẻ hơn. Nhưng khi mối quan hệ mới không được như kỳ vọng, họ lại tìm về người cũ, trong khi người còn lại vẫn chấp thuận vì cảm giác thân thuộc.
Theo bà Minh, cảm giác thân thuộc này giống như một phản xạ có điều kiện, giúp bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương từ quá khứ cũng như tương lai.
Thậm chí có người trẻ hiểu rằng tình cảm giữa mình và đối phương luôn sâu đậm, nếu chia tay thì việc quay lại là tất yếu. Bởi vậy, họ đã sử dụng “tình yêu lò vi sóng” như một cú hích cảm xúc, kích thích lại sự hưng phấn trong tình yêu lứa đôi.
“Nhìn chung, tình yêu lò vi sóng tồn tại nhiều ở tuổi trẻ bởi chưa có ràng buộc bằng quan hệ hôn nhân, nên dễ chia tay, dễ tha thứ”, bà Minh nói.
Là người có nhiều năm tư vấn về tình yêu – hôn nhân, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng việc chia tay rồi quay lại không phải lúc nào cũng là điềm xấu.
Thực tế, việc chia tay có thể giúp mọi người nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ, hiểu được khuyết điểm cần cải thiện, tránh những mâu thuẫn hay lặp lại sai lầm như trước.
Tuy nhiên, cũng có người tái hợp nhiều lần vẫn không thể đảm bảo lâu dài bởi sự nỗ lực đầu tư cho tình yêu không phải lúc nào cũng đến từ hai phía.
Lần nào quay lại với người yêu cũ, Hương Giang cũng phớt lờ nguyên nhân của những trận cãi vã trước bởi cho rằng không cần khơi lại chuyện cũ. Nhưng yêu lại một thời gian, cô nhận ra mình đang chạy theo một vòng tròn. Sự ghen tuông, hờn giận tiếp tục tái diễn.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng trong trường hợp này, yêu “kiểu lò vi sóng” sẽ khiến nhiều người tổn hao tâm sức, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc và học tập. “Giống như một món ăn, nếu hâm đi hâm lại nhiều lần dễ mất vị”, ông Hòa nói.
Để tránh việc quay lại rồi chia tay trong tình yêu, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh khuyên người trẻ nên “một lần bộc bạch hết những suy nghĩ, mong muốn của bản thân, đồng thời dành thời gian tìm hiểu suy nghĩ của họ”. Cả hai cần xác định được đích đến của mình có thực sự phù hợp hay chỉ là cảm xúc nhất thời. Nếu quay lại, cần dành thời gian tìm hiểu và cải thiện các vấn đề đã xảy ra ở cả hai. Nếu kết thúc, cần sự quyết đoán.
Với Mạnh Dũng, tình yêu “quay đi, quay lại” khiến cảm xúc trong anh chai sạn, luôn đặt câu hỏi khi nào sẽ là lần chia tay tiếp theo. Chàng trai 22 tuổi thất vọng khi đối phương sau nhiều lần tan hợp vẫn không thay đổi tính nết để xây dựng mối quan hệ ổn định hơn.
“Lần quay lại nào cũng nguyên vẹn cảm xúc buồn chán, kiệt sức giống nhau”, Dũng nói.
Hải Hiền