Trước năm 2012, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của HAGL đến từ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, sự suy thoái của thị trường này trong giai đoạn 2012-2015 đã khiến HAGL phải tìm kiếm cơ hội mới trong ngành nông nghiệp tại các quốc gia khác. Ban đầu, HAGL đặt cược vào các cây công nghiệp như mía đường, cao su, cọ dầu… với niềm tin rằng những sản phẩm này sẽ luôn có giá trị cao.
Cây cao su đã trở thành mũi nhọn chính trong chiến lược của HAGL, đến mức ông Đức tự tin tuyên bố: “Bán nhà cũng phải trồng cao su. Từ năm 2014, tôi sẽ có lợi nhuận 450 triệu USD mỗi năm”. Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng được 43.500 hecta, đạt 85% so với chỉ tiêu ban đầu.
Nhưng cây cao su có lẽ vẫn là một “niềm đau” với tập đoàn này. Thời điểm “bầu” Đức đổ cả tỷ USD vào trồng cao su ở Lào, Campuchia, giá vốn trồng cao su 1.400 USD/tấn, giá là 5.200 USD/tấn, được xem là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, đến khi Hoàng Anh Gia Lai khai thác cao su thì giá giảm tới 80% xuống còn 1.100 USD/tấn, đẩy HAGL chìm vào khó khăn.
“Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì” – bầu Đức trải lòng về biến cố trong quá khứ.