Đà NẵngTrên bàn làm việc của Lan Phương có một chiếc răng sữa mới rụng, cô nói sẽ lưu nó trong hộp đựng những chiếc răng đầu tiên được thay của học sinh trường Hope.
Mấy ngày trước, chuyện chiếc răng lung lay của cậu bé 7 tuổi tên Quang đã đến tai cô Nguyễn Ngọc Lan Phương, nhân viên y tế. Cô gọi lại kiểm tra răng nhưng Quang khóc toáng rồi chạy vụt đi. Từ hôm đó, cứ thấy cô Phương ở đâu là thằng bé trốn.
Không biết ai thuyết phục, mấy hôm sau Quang đứng thập thò ở cửa phòng y tế, đồng ý nhổ. Chiếc răng cửa chạm nhẹ đã rụng. Phương cho cậu súc miệng, không quên khen can đảm. Thằng bé gượng cười dù nước mắt vẫn đang giàn giụa.
“Ở nhà, bố mẹ thường lưu giữ những chiếc răng sữa thay đầu tiên của con. Quang không còn mẹ nên tôi sẽ giữ”, Phương, 26 tuổi, chia sẻ.
Hope school là ngôi trường ở Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 230 trẻ mồ côi vì Covid-19. Trước khi về đây, Phương là nhân viên phục hồi chức năng tại Làng Hòa Bình, Quảng Nam. Nghe tin về một ngôi trường nuôi dạy những trẻ mất cha mẹ do đại dịch, cô gái trẻ xin vào làm từ tháng 1/2022, trở thành một trong những thầy cô đầu tiên.
Với nhiệm vụ chăm lo y tế cho học sinh, phòng làm việc và phòng ở của Phương thường được học sinh ghé thăm. Trong số này, Bảo Nam, lớp 8, là trường hợp Phương phải kiên trì nhất.
Cậu bé thuộc lứa học sinh đầu tiên, nhập học năm 2022. Vì cú sốc mất cả cha lẫn mẹ, em rơi vào trầm cảm, nghiện game. Những ngày đầu ở đây, em không quan tâm bất cứ điều gì kể cả ăn uống, tắm rửa. Lan Phương kết hợp với các thầy cô trong trường, chuyên gia tâm lý và một bác sĩ vực dậy Nam. Mỗi ngày cô theo sát, lôi kéo em vào các hoạt động. Thời đầu Nam chạy mấy bước là cổ vẹo xuống như cọng bún, chân nọ đá chân kia rồi ngã.
Tuần đầu cai game, Nam vật vã, mồ hôi ướt áo dù tiết trời Đà Nẵng đầu năm vẫn lạnh. Ngồi trên lớp cậu bé chỉ ngáp, không thể tập trung học, đôi lần phải đưa về nhà nội trú bấm huyệt, massage. Ngoài đồng hành trong cuộc sống và học tập, có những lúc Phương còn cùng chơi game để bước vào thế giới của cậu bé.
Dần dần, Nam tìm thấy niềm vui trong việc chơi với bạn bè, thầy cô; trong các hoạt động làm vườn, dã ngoại và bỏ được game. Nhưng đây mới là thành công bước đầu. Hàn gắn tổn thương tâm lý của em là một hành trình dài mà các thầy cô biết chỉ có yêu thương mới làm được. Có đêm cậu bé sốt cao, như mọi bạn nhỏ khác Phương lau khăn ấm cho em. Vào lúc đặt khăn lên trán cậu bé, cô chợt khựng lại khi thấy hai hàng nước mắt chảy ra.
“Ngày xưa con sốt khuya, mẹ cũng lau người cho con như cô”, thằng bé nói. Cả không gian như nghẹn lại trong tiếng nấc của hai cô trò. Hồi lâu vỗ về, cậu bé mới chìm vào giấc ngủ. Hiện Nam là một cậu bé hòa đồng, nuôi ước mơ trở thành một lập trình viên.
Nhận công tác tại Hope School từ tháng 11/2022, cô Trần Thị Tú Điển, 29 tuổi, được giao nhiệm vụ hỗ trợ học tập và quản sinh. Dạy tiểu học 7 năm, nhưng Điển chưa từng thấy có một ngôi trường nào giống ở đây.
“Lẽ thường, sau nhà trường vẫn còn cha mẹ, có vấn đề gì có thể liên hệ trực tiếp. Nhưng các em ở Hope không còn cha mẹ, hoặc thiếu một trong hai, đòi hỏi người giáo viên trách nhiệm cao hơn. Nhiều lúc tôi cảm tưởng mình như cha mẹ của các em”, cô Điển nói.
Quản lý một trung đội 39 học sinh nữ đủ lứa tuổi, mỗi ngày có “hàng tỷ chuyện” xảy ra. Điển sẽ phải đảm bảo các em thực hiện đúng quy định của nhà trường, như ăn ngủ đúng giờ, đúng vị trí, phòng ốc, trang phục gọn gàng. Mặc dù nề nếp của trường đã ổn định, vẫn có một số học sinh vi phạm quy định, nhất là ở những em tuổi teen. Gần đây nhất, một nữ sinh giấu điện thoại để sử dụng trong đêm, bị cô phát hiện tịch thu một tuần theo quy định. Tuy nhiên em này cho rằng cô không có quyền làm vậy, nói to và khóc ầm. Rồi như mất bình tĩnh, chiếc ghế ngã xuống cùng lúc em đứng lên.
Thấy tình hình khó kiểm soát, Điển dừng lại cuộc trò chuyện, bảo nữ sinh đi học. Trong ngày cô tìm đến thầy hiệu trưởng Hoàng Quốc Quyền xin kinh nghiệm. Thầy Quyền đánh giá cách xử lý của Điển vẫn đang ổn, có điều cần cứng rắn hơn.
Chiều đi học về nữ sinh này chủ động tìm Điển, cho biết đã bình tĩnh nói chuyện. “Lúc này tôi làm việc với bạn về quy định của trường, những điều được phép và không được phép làm, về thái độ của bạn với thầy cô. Bạn nhận ra vấn đề, xin lỗi và chấp nhận chịu phạt”, cô Điển chia sẻ. Tại trường, mỗi học sinh cấp ba ngoài điện thoại còn được cung cấp một máy tính cá nhân để đến trường đi học, nên việc thu điện thoại không ảnh hưởng việc học của cô bé.
Ngoài nhiệm vụ trên, Điển còn dạy học và kết nối gia sư phụ đạo cho học sinh trong trường. Cậu bé Quang, lớp 2, quê Thừa Thiên Huế là một học sinh khó dạy nhất của Điển. Quang nhập học từ tháng 8/2022, nhỏ tuổi nhất trường khi đó. Do dịch bệnh nên em chưa từng được tiếp xúc mặt chữ, mặt số và chỉ nói nhiều nhất được bốn chữ.
Điển đã phải vận dụng tất cả kinh nghiệm và học hỏi thêm để phụ đạo cậu bé. Trong lớp, cô ưu tiên cho Quang đọc bài, khích lệ mỗi khi có tiến bộ để bé có hứng thú học tập. Đến nay cậu bé lớp hai có thể tự chép được đoạn văn khi cô đọc.
Một trong những đặc trưng của Hope School là theo mô hình trường thiếu sinh quân. Là một bộ đội xuất ngũ và giáo viên thể dục, thầy Thân Thiên Thanh, 26 tuổi sẽ đảm bảo cho học sinh rèn luyện nề nếp, tác phong và sức khỏe.
Các con được học kỹ năng gấp chăn màn, ăn ngủ đúng giờ như quân đội. Sau hai hồi, 9 tiếng kẻng của thầy Thanh vang lên mỗi 5h30′ sáng, học sinh ùa xuống sân trường, nhanh chóng tập trung thành hàng lối để tập thể dục. Chiều tan học trở về, các em sẽ tham gia vào những câu lạc bộ khác nhau trong trường như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, vovinam.
Thanh kể có có một nam sinh lớp 7 rất cá tính, không chịu đánh răng dù thầy cô khuyên nhủ, kỷ luật, bạn bè trêu chọc. Vào đây nửa năm, cậu bé vẫn không sửa được tật xấu này. Bước ngoặt bất ngờ sau một chương trình huấn luyện phải đạp xe, leo núi, vượt hào hầm, bịt mắt đi trong rừng. Đội của cậu bé đạt giải nhất và em được tặng huy chương. “Em ấy vô cùng trân trọng và tự hào khi giành được huy chương. Cũng từ sau hoạt động đó, em đã thay đổi hoàn toàn thói quen không đánh răng”, thầy Thanh chia sẻ.
Tại ngôi trường Hy vọng, những thầy cô giáo trẻ như Phương, Điển hay Thanh còn làm cha, làm mẹ của học sinh, mà như thầy Quyền thường nói “các thầy cô đang được học làm cha mẹ khi chưa có con”.
“Những học trò của Hope đã biến những thanh niên đầy nhiệt huyết thành những người mẹ, người cha. Có những người cha lạnh lùng cùng chúng đi qua khó khăn, tủi hờn và cả những quy định nghiêm khắc. Có những người mẹ cùng chúng chơi đồ hàng, nhảy dây, tắm ao; mỗi chiều đi học về cho chúng được hít hà mùi mồ hôi, mùi nước hoa còn sót lại sau cả ngày làm việc”, thầy Quyền chia sẻ.
Hope School hiện là ngôi trường có học sinh trải dài từ Bắc tới Nam, với 11 dân tộc. Nhà trường đang chuẩn bị cho một đợi tuyển sinh mới, lứa thứ năm này sẽ có khoảng 70 em. Từ ngôi trường, năm học này có năm em vào đại học, hai em du học phổ thông Mỹ và sắp tới sẽ có thêm 7 em du học Áo và Nhật Bản.
Một tuần nay, học sinh nô nức chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam. Tú Điển cho biết mỗi lần nhớ lại ngày 20/11 năm ngoái, cô lại không kìm được xúc động. Lúc đó cô mới vào trường hai tuần, nhưng như tất cả thầy cô khác đều được học sinh tạo bất ngờ qua trò chơi giải câu đố, bức vẽ chibi và lá thư cảm ơn. Các em quây xung quanh thầy cô, cùng hát vang một ca khúc tự sáng tác.
“Ngày kỷ niệm Nhà giáo với tôi giờ có một cái gì đó thiêng liêng, mong chờ. Tôi thấy tự hào và hạnh phúc được là cô giáo và dạy dỗ các em”, Điển nói.
Lan Phương cho biết chăm sóc học sinh là nghĩa vụ, nhưng chính các em cũng yêu thương và chăm sóc lại cô. Những lúc cô đi công tác, thằng Chiến, Sang, Bảo mang áo ấm của chúng bắt cô mặc, dặn dò trời lạnh không được mặc váy. Lúc cô trở về, cái Thảo, Linh, Xuân Nhi, Ngọc Thủy cứ bám lấy hít hà. “Lâu lắm rồi con mới ngửi thấy mùi của cô”. “Tóc của cô thơm quá”, chúng nói.
“Từng phút giây làm việc ở đây tôi đều cảm thấy ý nghĩa cho đời. Tôi hay nói đùa, sau này có đi đến đâu trên đất nước này cũng có con trưởng thành từ Hope”, cô Lan Phương nói.
Video “Sự thay đổi của những học sinh trường Hope”.
Phan Dương
Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ các em, độc giả có thể ủng hộ tại đây.