Trước Hồ sơ Pandora, bí mật tài chính của hàng trăm chính trị gia, người nổi tiếng khắp thế giới đã bị tiết lộ trong nhiều vụ rò rỉ khác.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tại Washington, Mỹ, đã tiến hành cuộc điều tra toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay trong suốt 18 tháng, với hơn 600 nhà báo tham gia và trải rộng trên 117 nước, thu thập được gần 12 triệu tài liệu được gọi là Hồ sơ Pandora.
Số tài liệu rò rỉ này được tập hợp từ hàng chục công ty dịch vụ tài chính mà các khách hàng giàu có thuê để tạo tài sản và giao dịch ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman. 35 lãnh đạo thế giới, hơn 300 quan chức tại hơn 90 nước, cùng hơn 100 tỷ phú, người nổi tiếng và lãnh đạo doanh nghiệp có tên trong Hồ sơ Pandora.
Trước Hồ sơ Pandora, nhiều vụ rò rỉ khác cũng gây chấn động giới tài chính, gần đây nhất là Hồ sơ FinCEN vào tháng 9/2020. Các tổ chức tài chính đã nộp hơn 2.000 báo cáo về hoạt động đáng ngờ cho Mạng lưới Thực thi pháp luật về Tội phạm Tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cùng 17.641 hồ sơ thu được thông qua các yêu cầu tự do thông tin và những nguồn khác.
BuzzFeed News đã thu thập số tài liệu này và chia sẻ cho ICIJ cùng 400 nhà báo khắp thế giới, phơi bày thất bại của những ngân hàng toàn cầu lớn trong việc ngăn chặn rửa tiền và tội phạm tài chính, đồng thời tiết lộ Anh thường là mắt xích yếu trong hệ thống tài chính.
Hồi năm 2017, một vụ rò rỉ khác có tên Hồ sơ Paradise khiến giao dịch tài chính của các chính trị gia, người nổi tiếng, tập đoàn lớn và lãnh đạo doanh nghiệp bị tiết lộ, thông qua hàng loạt tài liệu chủ yếu từ công ty luật offshore Appleby, cùng các cơ quan đăng ký kinh doanh tại 19 khu vực pháp lý về thuế. Công ty offshore là những công ty ngoại biên, đăng ký, hoạt động ở nước ngoài.
Các tài liệu bao gồm chi tiết về những khoản đầu tư liên quan đến bất động sản riêng của Nữ hoàng Anh Elizabeth, kế hoạch trốn thuế của ba diễn viên trong loạt phim truyền hình Anh Mrs Brown’s Boys, đồng thời tiết lộ nhà vô địch đua xe Công thức Một Lewis Hamilton đã né được thuế khi mua chiếc trực thăng 16,5 triệu bảng (hơn 22,3 triệu USD).
Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguồn làm rò rỉ số tài liệu này. 13,4 triệu tài liệu đã được gửi cho tờ Suddeutsche Zeitung của Đức, sau đó chia sẻ với ICIJ. Cuộc điều tra toàn cầu về Hồ sơ Paradise tập hợp gần 100 hãng truyền thông tại 67 quốc gia.
Công ty Appleby sau đó đạt được thỏa thuận bí mật với BBC và Guardian, hai hãng tin lớn của Anh, về việc đưa tin liên quan đến các tài liệu bị rò rỉ. Appleby cho biết tài liệu của họ đã bị tin tặc đánh cắp.
Trước Hồ sơ Pandora, Hồ sơ Panama được coi là vụ rò rỉ hồ sơ tài chính lớn nhất, xét trên số lượng dữ liệu. Các hồ sơ được công bố sau khi một nguồn tin giấu tên liên hệ với các phóng viên tờ Suddeutsche Zeitung vào năm 2015, cung cấp dữ liệu được mã hóa từ công ty luật Panama Mossack Fonseca. Hãng luật này đã bán các công ty offshore ẩn danh, giúp chủ sở hữu chúng che giấu giao dịch.
Choáng ngợp trước quy mô 2,6 TB dữ liệu, Suddeutsche Zeitung đã liên lạc với ICIJ, dẫn đến quyết định tham gia điều tra của 100 hãng tin đối tác. Sau hơn một năm tìm hiểu kỹ lưỡng, ICIJ và các đối tác đã cùng công bố Hồ sơ Panama vào ngày 3/4/2016.
Cơ sở dữ liệu của số hồ sơ này được đăng lên mạng một tháng sau đó. Các giao dịch tài chính của nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo thế giới, cùng hơn 120 chính trị gia và hàng loạt tỷ phú, người nổi tiếng đã bị tiết lộ.
Hồ sơ Panama đã gây ra áp lực khiến cựu thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson quyết định từ chức, đồng thời khiến cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị kết án tù 10 năm vì tội tham nhũng.
Tháng 2/2015, ICIJ cũng công bố cuộc điều tra của hàng trăm nhà báo từ 45 quốc gia, được gọi là SwissLeaks, tập trung vào chi nhánh tại Thụy Sĩ của Tập đoàn Ngân hàng HSBC.
Những hồ sơ bị rò rỉ bao gồm thông tin tính tới năm 2007 của các tài khoản liên kết với hơn 100.000 cá nhân, thực thể pháp lý từ hơn 200 quốc gia. ICIJ cáo buộc ngân hàng HSBC Thụy Sĩ đã phục vụ “những người gần gũi với các chính quyền thiếu uy tín”, cùng “những khách hàng bị Liên Hợp Quốc nhìn nhận tiêu cực”. HSBC thừa nhận “văn hóa tuân thủ và các tiêu chuẩn về thẩm định” tại chi nhánh Thụy Sĩ vào thời điểm đó “thấp hơn so với hiện nay”.
Theo ICIJ, HSBC đã trục lợi từ “những tay buôn vũ khí, buôn bán kim cương máu và những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật quốc tế khác”. Hồ sơ nêu tên của những người gần gũi với chính quyền cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hay cựu tổng thống Tunisia Ben Ali.
Cuộc điều tra của ICIJ dựa trên dữ liệu ban đầu được rò rỉ từ kỹ sư phần mềm người Pháp gốc Italy Herve Falciani, dù ICIJ thu thập từ một nguồn khác. Kể từ năm 2008, Falciani đã gửi thông tin về ngân hàng HSBC Thụy Sĩ cho giới chức Pháp, để họ chuyển cho các chính phủ liên quan. Kỹ sư này bị Thụy Sĩ truy tố và từng bị giam ở Tây Ban Nha, nhưng sau đó được thả và đang sống ở Pháp.
Vào tháng 11/2014, ICIJ công bố kết quả một cuộc điều tra quy mô lớn khác có tên LuxLeaks, tập trung vào cách PwC, một trong những hãng kiểm toán lớn nhất thế giới, giúp các công ty đa quốc gia đạt được hàng trăm phán quyết có lợi về thuế ở Luxembourg trong giai đoạn 2002-2010.
Theo ICIJ, các công ty đa quốc gia đã “tiết kiệm” được hàng tỷ USD bằng cách đổ tiền qua Luxembourg, đôi khi với mức thuế chưa đến 1%. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới bị điểm tên, bao gồm Pepsi, IKEA, AIG và Deutsche Bank.
Đợt rò rỉ tài liệu thứ hai cho thấy hãng Walt Disney và công ty Skype đã tuồn hàng trăm triệu USD lợi nhuận thông qua các chi nhánh tại Luxembourg. Tuy nhiên, các công ty phủ nhận hành vi sai phạm.
Antoine Deltour, cựu nhân viên người Pháp của PwC, là người phát tán các tài liệu với lý do hành động vì lợi ích cộng đồng, dưới sự hỗ trợ của một nhân viên PwC khác là Raphael Halet. Hai người này, cùng nhà báo Edouard Perrin, từng bị truy tố ở Luxembourg sau đơn khiếu nại của PwC. Cuối cùng, Halet chỉ phải nộp khoản tiền phạt nhỏ, Deltour bị kết án 6 tháng tù treo nhưng sau đó bản án được hủy, trong khi Perrin trắng án.
Mặc dù số tài liệu bị phát tán chỉ bằng khoảng 1/10 so với Hồ sơ Panama, vụ rò rỉ hồ sơ tài chính do ICIJ công bố hồi tháng 11/2012 và tháng 4/2013 được coi là sự kiện phơi bày gian lận thuế quốc tế lớn chưa từng có. Khoảng 2,5 triệu tài liệu đã nêu tên hơn 120.000 công ty và quỹ tín thác tại những “thiên đường thuế”, như Quần đảo British Virgin hay Quần đảo Cook.
Hồ sơ nhắc đến một loạt các chính trị gia ở Azerbaijan, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, Mông Cổ và Pakistan, tuy nhiên, ICIJ nhấn mạnh những tài liệu rò rỉ không nhất thiết là bằng chứng của các hành động bất hợp pháp.
ICIJ cho biết họ thu thập tài liệu từ “hai nhà cung cấp dịch vụ tài chính, một ngân hàng tư nhân ở Jersey và cơ quan đăng ký kinh doanh tại Quần đảo Bahamas”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Ánh Ngọc (Theo BBC)