Nữ vận động viên, đồng thời là nữ nghiên cứu sinh ngành luật học tại đại học danh tiếng Trung Quốc vừa có thêm một danh xưng mới – nhà vô địch đấu kiếm tại Thế vận hội Paris 2024.
Cô chính là Giang Mân Huệ, sinh năm 1994 với chiều cao ấn tượng 1m78. “Nữ hoàng kiếm khách” đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), theo Quang Minh Nhật Báo.
Trong trận chung kết đấu kiếm nữ ngày 28/7/2024, Giang Mân Huệ đã đánh bại đối thủ chủ nhà Pháp với tỷ số 13-12, hoàn thành cú đảo ngược thần kỳ và giành Huy chương vàng đầu tiên cho Hồng Kông (Trung Quốc) tại Thế vận hội Olympic năm nay.
Chấn thương nặng nhưng không bao giờ bỏ cuộc
Là con gái duy nhất trong nhà, Giang Mân Huệ theo học taekwondo, trượt băng, đàn tranh, hội họa và múa ba lê từ nhỏ.
Thấy con gái thích những môn thể thao quá nam tính từ bé, mẹ Mân Huệ mong con học múa ba lê để nữ tính hơn và trở thành một quý cô thanh lịch.
Tuy nhiên, Mân Huệ lại thích tập trung vào Taekwondo và thậm chí còn giành được đai đen dành cho trẻ em. Sau đó, cha đã đề xuất môn đấu kiếm cho cô. Dưới sự hướng dẫn của cha, Mân Huệ dần dần yêu thích “môn ba lê của các môn thể thao chiến đấu” này khi mới 11 tuổi.
“Đấu kiếm rất tao nhã. Tôi thực sự thích nó”, cô nói. Tính cách thích cạnh tranh đã khiến Mân Huệ yêu thích những động tác đấu kiếm uyển chuyển và linh hoạt. Chỉ trong 3 năm, cô đã giành được Huy chương vàng tại Giải vô địch trẻ châu Á.
Việc không đạt kết quả như ý trong hai kỳ Thế vận hội Olympic trước đây đã mài giũa tính cách của Giang Mân Huệ. Nhưng những chấn thương nghiêm trọng liên tục trong 7 năm qua lại là trở ngại lớn nhất trong sự nghiệp của cô.
Trước Giải vô địch thế giới năm 2017, Mân Huệ bị rách dây chằng chéo ở đầu gối trái. Mẹ cô từng yêu cầu con gái giải nghệ, nhưng cô không muốn từ bỏ niềm đam mê đấu kiếm. Để tăng tốc độ hồi phục, cô đã nghỉ ngơi và ăn chay. Ba năm sau phẫu thuật, Mân Huệ quay lại luyện tập không ngừng.
Mẹ nhìn thấy sự kiên trì của con gái nên không khuyên Mân Huệ từ bỏ nữa. Tuy nhiên, thách thức trong sự nghiệp của kiếm nữ vẫn chưa dừng lại.
Tháng 3/2019, Giang Mân Huệ lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng thế giới trong sự nghiệp. Sau đó, cô vô tình trượt chân và bị rách dây chằng chéo ở đầu gối phải trước trận đấu.
Huấn luyện viên từng nói rằng 99% số vận động viên trên thế giới sẽ chọn giải nghệ nếu bị rách dây chằng chéo ở cả hai đầu gối, nhưng Mân Huệ vẫn “ngoan cố” chọn cách kiên trì vì cô vẫn còn giấc mơ Olympic chưa thực hiện được.
“Vượt qua khó khăn là sức mạnh của tôi”, Mân Huệ cho biết.
Bao năm qua, nỗ lực của cô gái đã được đền đáp, với 6 lần vô địch giải đấu kiếm thế giới, 3 chức vô địch châu Á và giờ đây là tấm huy chương vàng Olympic quý giá.
Con đường học thuật đa năng và toàn diện
Ngoài đoạt giải vô địch Olympic, Giang Mân Huệ còn toàn diện về học thuật khiến nhiều người ghen tỵ. Cô đang trở thành hình mẫu “con nhà người ta” trong mắt các bậc phụ huynh Trung Quốc.
Mặc dù yêu thích đấu kiếm, Mân Huệ không từ bỏ việc học. Ở cấp hai, cô đi tập sau giờ học, sau đó về nhà ăn cơm và làm bài tập. Nếu bài tập quá nhiều, sáng hôm sau cô dậy sớm để hoàn thiện.
Những lần ra nước ngoài thi đấu, Mân Huệ thậm chí sẽ hoàn thành bài tập trên máy bay.
Chính sự kiên trì này đã khiến cô trở thành một “học bá” (cách gọi ở Trung Quốc dành cho người học giỏi và có thành tích nổi bật). Nữ sinh đạt số điểm xuất sắc 41/45 điểm trong chương trình Tú tài Quốc tế (IB).
Giang Mân Huệ dựa vào kết quả học tập hơn là thành tích thể thao để được nhận vào Đại học Stanford – một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới, với chuyên ngành kép Quan hệ quốc tế và Tâm lý học.
Sau khi tốt nghiệp, Giang Mân Huệ bắt đầu quan tâm đến luật, theo học thạc sĩ chuyên ngành này tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và bắt đầu từ năm 2021, cô theo học chương trình tiến sĩ luật tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông.
Giống như hầu hết các cô gái, Mân Huệ thích chia sẻ cuộc sống thường ngày trên mạng xã hội. Cô cũng được nhiều cư dân mạng bình luận là “Nữ hoàng kiếm cười” vì nụ cười dễ thương và ngọt ngào của cô.
Tử Huy