Tính toán chính trị của Tổng thống Pháp Macron khi tổ chức bầu cử sớm có thể phản tác dụng, khi thăm dò cho thấy phe cực hữu đang thắng thế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn khao khát trở thành người đàn ông vĩ đại nhất lịch sử, cứu châu Âu khỏi chủ nghĩa dân túy, đưa nền kinh tế châu lục phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.
Đây dường như là động lực thúc đẩy ông Macron bất ngờ quyết định giải tán quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử sớm từ ngày 30/6, nhằm ngăn chặn đà trỗi dậy của phong trào cực hữu do bà Marine Le Pen dẫn dắt.
Quyết định được đưa ra sau khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN), dẫn đầu bởi chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella, giành chiến thắng áp đảo trước đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông Macron trong bầu cử Nghị viện châu Âu.
Nước cờ của ông Macron đã gây chấn động nước Pháp và khiến cả thế giới sửng sốt. Đây cũng được xem là phong cách của ông Macron: táo bạo, mạo hiểm và đúng lúc để khiến đối thủ bất ngờ. Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra là liệu ông có đi vào lịch sử với tư cách là người đưa bà Le Pen trở thành lãnh đạo nước Pháp hay không.
Tổng thống Pháp tin rằng các ứng viên mà ông hậu thuẫn cho vị trí trong quốc hội sẽ được hưởng lợi từ quyết định bất ngờ này, theo các trợ lý. Ông cũng tin các đảng cánh tả sẽ không có thời gian thành lập liên minh quan trọng để vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 30/6.
Điều đó sẽ buộc cử tri cánh tả phải quay sang ủng hộ đảng của ông Macron trong vòng bỏ phiếu thứ hai ngày 7/7, kịch bản từng xảy ra trong cuộc đối đầu trước đây giữa ông và bà Le Pen.
Nhưng tính toán đó của ông Macron đang dần sụp đổ. Một loạt đảng thiên tả đã nhanh chóng thành lập liên minh đối đầu với ông Macron và bà Le Pen trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, đảng Phục hưng của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi các nghị sĩ bị sốc trước lãnh đạo mà họ cho là hành động đơn phương, không tham khảo ý kiến trước khi quyết định.
Các cuộc thăm dò tuần này chỉ ra đảng cực hữu của bà Le Pen đủ điều kiện tham gia vòng hai và có khả năng giành được 270 ghế trong quốc hội. Kết quả này chưa đạt mức đa số trong quốc hội 577 ghế của Pháp, song gấp ba số ghế mà bà Le Pen giành được vào năm 2022.
Tổng thống Macron ngày 12/6 tỏ ra khó chịu trước câu hỏi của phóng viên rằng ông nghĩ gì nếu trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp hậu Thế chiến II trao chìa khóa quyền lực cho phe cực hữu.
“Mọi người đều thấy sự trỗi dậy của phe cực hữu”, ông nói. Sau đó, ông thừa nhận một thực tế ám ảnh rằng vào năm 2027, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và không thể tiếp tục tranh cử theo quy định hiến pháp. Điều này đồng nghĩa bà Le Pen có cơ hội chạy đua vào vị trí tổng thống mà có thể không vấp phải đối thủ cạnh tranh nào đủ lớn.
Ông Macron cho biết bản thân không muốn ngồi yên đợi kịch bản đó. Ông cho rằng việc đảng RN chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần trước là do cử tri Pháp đang cảm thấy bất mãn. Trong lời kêu gọi bầu cử sớm, Tổng thống Macron nói muốn trao cho cử tri cơ hội để hiểu rõ tình hình.
“Bây giờ ông Macron đang nói với cử tri rằng ‘chúng ta đang chơi thật’. Vấn đề không phải là thể hiện sự bất mãn của bạn mà là liệu bạn có thực sự muốn phe cực hữu nắm quyền hay không”, Gilles Ivaldi, giáo sư Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, nói.
Ivaldi thêm rằng Tổng thống Macron muốn cử tri suy nghĩ kỹ trước khi bỏ phiếu cho RN trong bối cảnh phe cực hữu thực sự có cơ hội nắm quyền.
“Ông ấy hy vọng nỗi sợ hãi phe cực hữu sẽ mang tới thay đổi quan trọng, gồm cả việc lôi kéo các đảng ôn hòa để giành thế đa số mới”, giáo sư Ivaldi nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo ông Macron có nguy cơ đi theo vết xe đổ của ông David Cameron, người khi còn là thủ tướng Anh đã kêu gọi trưng cầu dân ý về Brexit với niềm tin rằng công chúng sẽ bác bỏ.
“Ông Cameron đã đặt cược tất cả và thua cuộc. Ông Macron đang làm giống như vậy”, Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của công ty tư vấn Eurasia Group ở Mỹ, nói.
Không giống Cameron, phe của Tổng thống Macron không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Các nhà lập pháp mà ông Macron mong đợi tham gia tranh cử đã không được thông báo về kế hoạch giải tán quốc hội và bầu cử sớm hôm 9/6.
“Tôi chỉ biết điều đó khi xem bài phát biểu của ông ấy trên truyền hình”, Huguette Tiegna, nhà lập pháp trong đảng Phục hưng, nói.
Trong nhiều năm cầm quyền, ông Macron đã nhiều lần sử dụng thẩm quyền theo hiến pháp để vượt mặt quốc hội. Năm ngoái, ông đã nâng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Ông cũng thông qua đạo luật giúp các công ty tuyển và sa thải nhân viên dễ dàng hơn.
“Tôi thực sự thất vọng. Đó là một cú sốc”, Patrick Vignal, nhà lập pháp đảng Phục hưng, nói.
Người có thể gánh chịu hậu quả lớn nhất trong quyết định của ông Macron là Thủ tướng 35 tuổi Gabriel Attal. Ông Attal sẽ mất ghế Thủ tướng nếu đảng RN thành lập được liên minh đa số trong quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử và thành lập chính phủ cực hữu.
Attal vốn được xem là ngôi sao sáng giá nhất trong đảng Phục hưng. Khi ông Macron bổ nhiệm Thủ tướng Attal hồi tháng 1, nhiều nhà lập pháp tin rằng Tổng thống đang xác định đây là người kế nhiệm tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Attal cũng chỉ biết về kế hoạch của ông Macron vài giờ trước khi quốc hội giải tán, theo các quan chức Pháp. Họ thêm rằng cả ông Attal và Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu đều phản đối quyết định của ông Macron.
Thủ tướng Attal ngày 11/6 nhóm họp cùng các nhà lập pháp trong đảng và cố gắng khích lệ tinh thần tranh cử. Tuy nhiên, các nhà lập pháp nói họ tức giận và suy sụp tinh thần. Một nhà lập pháp giấu tên nói từng xem ông Macron là hy vọng tốt nhất, “nhưng giờ ông ấy đang kéo chúng tôi xuống”.
Trong khi đó, Jordan Bardella, lãnh đạo 28 tuổi của đảng RN được bà Le Pen hậu thuẫn, đã giành được nhiều chiến thắng kể từ khi nắm quyền điều hành đảng. Các quan chức của RN cho biết Bardella hiện là lựa chọn sáng giá để thay thế Thủ tướng Attal.
Trong dấu hiệu đáng lo ngại với đảng Phục hưng, trợ lý của ông Macron cho biết Tổng thống Pháp đang sẵn sàng rút các ứng viên của đảng khỏi những khu vực bầu cử mà ứng viên bảo thủ, xã hội chủ nghĩa hoặc đảng Xanh có cơ hội đánh bại đối thủ của RN cao hơn.
“Chúng tôi bị kẹp giữa cánh tả và cực hữu. Điều đó sẽ hủy hoại chúng tôi”, một nhà lập pháp đảng Phục hưng nói.
Sebastien Maillard, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House, cho đảng RN đã biến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu thành cuộc trưng cầu dân ý về ông Macron và giờ ông Macron đang làm điều ngược lại.
Tuy nhiên, giáo sư Ivaldi cảnh báo “rõ ràng đây là canh bạc. Không ai thấy trước được những gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử”.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Al Jazeera, AFP)