“Việt Nam cho tôi quá nhiều thứ, một người vợ hiền và hai đứa con ngoan. Đất nước này đã trở thành một phần không thể thiếu của tôi. Tôi sẽ làm tất cả, dành toàn bộ sức lực để hỗ trợ người dân nơi đây, nhất là giai đoạn khó khăn này”, Nathan Keer (33 tuổi, người Anh) chia sẻ.
Sau khi chuẩn bị xong 200 suất bánh mì và sữa, anh Nathan cùng vợ là chị Ngô Băng Khanh “nóng ruột không thể ngủ”, quyết định lái xe từ Hà Nội đến xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên, lúc 5h30.
Không chỉ vợ chồng Nathan, nhiều tình nguyện viên đã có mặt ở đây từ sớm, chia nhau mỗi người một việc, từ nhặt rau, rang lạc, nấu cơm đến gói nhu yếu phẩm, chuẩn bị tiếp tế cho những hộ dân đang bị cô lập vì mưa lũ.
Nathan cho biết thời điểm đó trời mưa không ngớt, nhiều nơi trong khu vực bị ngập sâu, có chỗ nước dâng ngang hông. Anh cùng các tình nguyện viên phải dùng thuyền vận chuyển đồ ăn, lội nước vào từng nhà để phát tận tay cho người dân.
Thậm chí, tới đoạn hẻm nước ngập đến cổ, họ không thể di chuyển sâu hơn. Nathan tình nguyện bơi vào. Ở ngôi nhà hai tầng cuối cùng hơi khó tiếp cận, anh cất tiếng gọi lớn và thấy một đàn ông trạc 60 tuổi bước ra.
“Ông ấy rất ngạc nhiên rồi nở nụ cười tươi khi nhận được đồ cứu trợ từ một người ngoại quốc”, anh nhớ lại.
Sau một ngày bận rộn tham gia công tác cứu trợ, Nathan và vợ trở về Hà Nội. Trước khi rời đi, cặp đôi còn góp thêm tiền mua 5 tạ gạo, mì, xà phòng và một số mặt hàng cần thiết khác để gửi tới các gia đình đang bị cô lập bởi mưa lũ.
Chàng trai người Anh cảm thấy buồn và sốc trước sự tàn phá kinh khủng của siêu bão Yagi tới nhiều tỉnh thành phía Bắc. Song, anh cũng vô cùng xúc động trước tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam trong thời điểm khó khăn.
“Càng đi ra ngoài, tôi càng chứng kiến được nhiều nghĩa cử cao đẹp của người Việt. Tôi thấy ấn tượng với điều này và muốn làm chút gì đó giống như họ. Tôi cầu mong người dân miền Bắc vượt qua mùa mưa lũ bình an và sớm khắc phục hậu quả”, Nathan bày tỏ.
Tương tự Nathan, đôi bạn Violeta và Candela (cùng quốc tịch Tây Ban Nha) cũng “biến” những ngày mắc kẹt vì mưa lũ tại Sa Pa (Lào Cai) thành kỉ niệm đáng nhớ khi góp sức nấu ăn, chuẩn bị các suất cơm cứu trợ bà con vùng bị cô lập trên địa bàn.
Candela và Violeta đến Sa Pa ngày 8/9 sau khi trở về từ Cát Bà (Hải Phòng) vì siêu bão Yagi đổ bộ. Song, họ và một số du khách nước ngoài khác tiếp tục bị mắc kẹt ở Sa Pa do ảnh hưởng từ cơn bão.
“Các chuyến xe khách tạm dừng hoạt động vì thời tiết bất lợi nên chúng tôi không thể di chuyển về Hà Nội theo dự định ban đầu. Cả hai cũng lỡ luôn chuyến bay đến Huế”, Violeta nói.
Trong lúc hoang mang vì gặp sự cố, Candela và Violeta may mắn được chị Trần Thị Huyền – Giám đốc một công ty du lịch ở Thạch Sơn (TX. Sa Pa) hỗ trợ ăn ở miễn phí, đảm bảo an toàn trong thời điểm mưa lũ nguy hiểm.
Xúc động trước sự tử tế và tốt bụng của chị Huyền cùng các nhân viên, ngày 9/9, hai vị khách Tây Ban Nha cùng vài người bạn nước ngoài đang tá túc miễn phí tại đây đã góp sức nấu cơm, chuẩn bị hàng trăm suất ăn để tiếp tế người dân bản Lao Chải.
Ngày 10/9, họ tiếp tục tham gia nấu 400 suất ăn, làm thêm xôi, muối vừng để gửi lên vùng bị sạt lở đất ở Bảo Yên, Bắc Hà.
Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nấu nướng nhưng nghĩ đến những người khó khăn đang cần giúp đỡ, các vị khách ngoại quốc lại cố gắng học hỏi, quan sát cách làm để thao tác nhanh chóng, thuần thục hơn, hoàn thành tiến độ để kịp thời tiếp tế cho bà con vùng lũ.
“Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm và sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Vì vậy, chúng tôi cũng muốn được góp một phần sức lực để hỗ trợ bà con địa phương sớm vượt qua thời điểm khó khăn”, Violeta chia sẻ.
Cùng cảm nhận với người bạn của mình, Candela cũng rất buồn khi thấy người dân Sa Pa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
“Tôi rất buồn và lấy làm tiếc khi thấy mọi người gặp khó khăn vì mưa lũ. Song, trải nghiệm lần này khiến tôi hiểu rõ hơn những điều tốt đẹp mà người Việt Nam đang làm. Đó là tình người tuyệt vời, sự tương thân tương ái. Ngay cả những người khó khăn cũng không ngại giúp đỡ người khó khăn hơn. Tôi thực sự ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết của các bạn”.
Tối 10/9, khi giao thông bắt đầu được nối lại, Candela và Violeta lên đường trở về Hà Nội, đem theo “hành trang” là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất cuộc đời.