Sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Điều 4 của Luật liên quan chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ”.
Trước khi Quốc hội thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Có ý kiến đề nghị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe.
Tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại dự thảo bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu %; đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế, trong những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc do chưa được quy định trong luật.
Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Sau khi luật này được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (không phải sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước) để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Ngày 22/6, Chính phủ có văn bản số 335 đề nghị: “Bố trí tương ứng các khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và một phần khoản thu từ tiền đấu giá biển số xe đã nộp vào ngân sách nhà nước năm trước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại nội dung này và có chỉnh sửa tại dự luật như đề xuất của Chính phủ.
Chính phủ bỏ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông
Chính phủ đã bỏ đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Cân nhắc quy định trích một khoản tiền phạt vi phạm cho lực lượng CSGT
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với đề xuất trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT cho CSGT. Tuy nhiên, cần quy định có ngưỡng cụ thể là bao nhiêu phần trăm.