Đồng Tháp10 cầu mới khánh thành cùng 11 cầu mới khởi công trong niềm hân hoan của người dân huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 15/1.
Sáng chủ nhật, anh Bùi Nhân Nghĩa cùng hàng chục hộ dân ấp Long Định, xã Long Thắng, huyện Lai Vung quần áo tươm tất, quây quần bên mâm trà sớm. Câu chuyện ngày cuối năm rôm rả không chỉ vườn tược, giá nông sản lên xuống mà họ còn hòa chung niềm vui có cầu mới – cầu Vườn Cò.
“Cầu cũ làm bằng sắt mà mối hàng đứt hết rồi, đi rập rình thấy ớn lắm”, anh Nghĩa kể và cho biết do nhà sát bên cầu nên nhà anh cũng trở thành bếp ăn của đội xây cầu thiện nguyện xã Long Thắng.
Những ngày xây cầu, gia chủ vừa góp công xây cầu, người nhà phụ nấu nướng, chuẩn bị nước uống cho đội quân. Cả tháng nhà anh Nghĩa vui như tết. Người dân ở đây hễ ai rảnh cũng qua phụ nên cầu xây xong chỉ trong một tháng thi công. Cầu Vườn Cò là lối đi lại chính của hàng chục hộ dân đi rẫy, làm đồng. “Cầu xuống cấp vậy đâu dám chở bằng xe máy, chúng tôi toàn chở bằng xuồng máy bất tiện lắm”, ông Phan Văn Năm, người dân trong ấp kể.
Cầu mới dài 38 m, rộng 3,5 m khang trang, kiên cố là niềm mong chờ bấy lâu của người dân trong vùng, nay đã trở thành hiện thực. “Ai nấy đều rất mừng vì có cầu mới. Xuân sắp về, tôi đại diện người dân ở đây cám ơn và gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc với những tấm lòng đã hướng đến miền quê Đồng Tháp còn khó khăn về đi lại”, anh Nghĩa nói. Cầu mới có tổng chi phí gần 550 triệu đồng, trong đó Quỹ Hy vọng tài trợ 120 triệu đồng.
Cách xã Long Thắng không xa, người dân ấp Tân Thạnh, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cũng vui mừng khi cầu Cống Đá khởi công thay thế cầu cũ làm bằng ván rộng chưa đầy 2 m. Trưởng ấp, ông Lê Văn Được, cho biết: “Chúng tôi không nghĩ cầu bắc qua ngã ba sông này sẽ được xây sớm như vậy, quá vui mừng luôn”, ông nói.
Cầu cũ nhỏ hẹp, ván đã mục không chỉ đi lại khó khăn mà việc chở nông sản cũng không dễ dàng, thường bị ép giá hơn so với các khu vực có giao thông thuận lợi. Cầu mới dài 32 m, rộng 3,5 m, kinh phí 512 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nhiệm nhà gần đó cho biết cầu Cống Đá cũ bắc tạm bằng vài cây bạch đàn, ít thước ván nên tuổi thọ chỉ đôi ba năm là sập. “Người dân không nghĩ được xây hẳn cầu bê tông kiên cố, từ nay học sinh đi học, nông dân chở nông sản hay đi lại đều an tâm lắm rồi”, ông Nhiệm nói.
21 cầu khánh thành và khởi công cùng ngày là hoạt động khởi đầu năm 2023 của chương trình “Nâng bước em đến trường” do Quỹ Hy vọng khởi xướng, hướng đến chào mừng 35 năm thành lập FPT. Dự kiến Đồng Tháp sẽ sớm cán mốc 100 cầu Hy Vọng trong thời gian tới.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” xây dựng các cây cầu bê tông kiên cố tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo môi trường an toàn không chỉ cho trẻ em, mà còn nâng cao chất lượng sống, cải thiện an sinh xã hội tại mỗi vùng đất.
Năm 2022, 250 cây cầu kiên cố được xây dựng ở miền Tây, với sự chung tay của lãnh đạo các địa phương và người dân, đặc biệt là sự tham gia của đoàn viên thanh niên, nông dân các xã đóng góp hàng chục nghìn ngày công.
Độc giả đồng hành cùng chương trình tại đây.
Ngọc Tài