Đại tướng Lương Tam Quang cho biết Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ tăng cường ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước để dẫn độ tội phạm về nước.
Giải trình ý kiến đại biểu tại phiên họp sáng 26/11, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an cho biết lực lượng công an và cơ quan thực thi pháp luật đang tích cực hợp tác quốc tế để xử lý tội phạm trốn ra nước ngoài.
Trong đó, các cơ quan đã ký kết nhiều hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và dẫn độ tội phạm. Việc này, theo Bộ trưởng đang được thực hiện theo từng nước và từng bước. “Có những nước chưa bao giờ cho phép dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác và Bộ Công an đã đưa tội phạm về nước”, ông Lương Tam Quang thông tin.
Trên tinh thần này, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đàm phán, ký hiệp định liên Chính phủ để xử lý, bắt và dẫn độ tội phạm tốt hơn.
Tham gia thảo luận trước đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn hiện nay là nhiều người đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt chưa hiệu quả có nguyên nhân chưa có hiệp định tương trợ tư pháp.
Đại biểu Thịnh đề nghị cần tổng kết việc triển khai hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt.
Theo Luật Tương trợ tư pháp 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Tình hình tội phạm tiếp tục phức tạp
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, tình hình về kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm, xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động từ thành thị về nông thôn, nhất là trong độ tuổi thanh niên. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm; nhất là trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng với đó, sự suy thoái về đạo đức xã hội là hệ lụy tích tụ từ nhiều năm do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Tội phạm ngày càng trẻ hóa, gây ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ. Một bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng chấp nhận bị xử lý khi vi phạm, nhất là về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Công an dự báo tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật tiếp tục có xu hướng gia tăng với thủ đoạn đa dạng, mức độ nghiêm trọng hơn.