Tên lửa đạn đạo Triều Tiên mới phóng thử có kích thước nhỏ, có thể biến các tàu ngầm cỡ nhỏ thành vũ khí uy lực trong lòng biển.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết nước này đã phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ mới trong vụ thử ngày 19/10. “Mẫu SLBM mới sẽ giúp đưa công nghệ quốc phòng của Triều Tiên lên tầm cao mới và củng cố năng lực hoạt động dưới lòng biển của hải quân”, thông cáo của KCNA có đoạn.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết quả tên lửa đạn đạo này bay được 430-450 km và đạt độ cao tối đa 60 km. Mẫu SLBM mới nhỏ hơn so với dòng Pukguksong, có thể đã được trưng bày trong triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng tuần trước. Loại tên lửa này từng gây chú ý sau sự kiện, dẫn tới nhiều tranh cãi rằng nó là thiết kế cũ chưa từng được công bố hay mẫu SLBM mới sắp được thử nghiệm.
Hiện chưa rõ quả tên lửa được phóng thử như thế nào. Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy tên lửa phóng từ dưới lòng biển, kèm theo đó là ảnh tàu ngầm tấn công lớp Gorae nổi lên với cửa khoang tên lửa ở trạng thái mở. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh chụp nhà máy đóng tàu Sinpo cho thấy một xà lan chuyên dùng để thử SLBM cũng ra biển hôm 18/10, một ngày trước vụ thử.
“Học viện Khoa học Quốc phòng tuyên bố loại SLBM mới ứng dụng nhiều công nghệ dẫn đường tiên tiến, bao gồm khả năng cơ động mặt phẳng ngang và nhảy cóc trong giai đoạn lượn”, KCNA cho hay.
Giới chuyên gia cho rằng “nhảy cóc” là cách Bình Nhưỡng mô tả động tác cơ động cho phép đầu đạn đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và tạo ra đường bay trồi sụt, giúp tăng tầm bắn, điều chỉnh hướng bay và gây khó khăn cho lá chắn tên lửa đối phương.
Đầu đạn của SLBM Triều Tiên tách khỏi tầng đẩy tên lửa trong quá trình bay dường như là lý do khiến giới chức Nhật Bản nhầm lẫn, khi Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo.
Truyền thông Triều Tiên không sử dụng từ “chiến lược” để mô tả loại SLBM mới, trái ngược với dòng Pukguksong trước đây, cho thấy mẫu tên lửa này có thể chỉ sử dụng đầu đạn thông thường với tùy chọn mang vũ khí hạt nhân.
Các dòng SLBM dùng đầu đạn thông thường có thể được triển khai để diệt mục tiêu chiến thuật có giá trị cao và trong hầm ngầm kiên cố.
“Kích thước nhỏ cho phép triển khai chúng trên hàng chục tàu ngầm hạng nhẹ của Triều Tiên sau khi hoán cải, trong khi các tàu lớn như lớp Gorae hoặc Đề án 633 cải tiến có thể tăng đáng kể lượng vũ khí tiến công”, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Theo Trevithick, tầm bắn của tên lửa mới kém dòng Pukguksong cũng không ngăn cản nó biến tàu ngầm Triều Tiên thành các “sát thủ thầm lặng” đầy uy lực trong lòng biển, khi hàng loạt tàu ngầm trang bị SLBM tầm ngắn có thể tung đòn đánh từ nhiều hướng để gây khó khăn cho lưới phòng thủ đối phương
Triều Tiên hiện biên chế 70 tàu ngầm các loại, trong đó có một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Gorae và 20 tàu ngầm tấn công Đề án 633. Phần lớn tàu ngầm Triều Tiên đã lạc hậu, chỉ có thể hoạt động gần bờ và khó lòng đe dọa đối phương nếu xảy ra xung đột. Tuy nhiên, việc trang bị SLBM với tầm bắn hàng trăm km và đầu đạn hiện đại có thể giúp tăng cường đáng kể uy lực cho lực lượng này.
“Hoán cải tàu ngầm tấn công Đề án 633 thành tàu ngầm mang SLBM là giải pháp tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa rủi ro mà vẫn bảo đảm tăng cường năng lực tiến công. Ngay cả một tàu ngầm diesel – điện lạc hậu, có độ ồn tương đối cao vẫn đòi hỏi các cường quốc như Mỹ và Hàn Quốc phải triển khai nhiều nguồn lực quý giá để liên tục theo dõi vị trí của nó”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)