Ngày 7/10, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận sau hơn ba năm nộp hồ sơ.
Như vậy, sau vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để được cấp bằng bảo hộ thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký gặp rất nhiều khó khăn. Một trong số đó phải chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm (chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã duy trì trong ít nhất 25).
Theo ông Phí, rất khó để tìm được tài liệu chứng minh cần thiết và các tài liệu bổ trợ chứng minh mối tương quan giữa điều kiện tự nhiên và đặc tính của sản phẩm.
Khó khăn tiếp theo là sửa đổi, đề xuất điều chỉnh các số liệu về đặc tính sản phẩm nhằm mục tiêu mở rộng phạm vi quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, phía Nhật Bản còn đề nghị cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất đối với đặc tính của thanh long Bình Thuận.
Cục sở hữu trí tuệ cùng với Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện các tiêu chí. Ngoài các tài liệu chứng minh, việc khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nhà phân phối thanh long Bình Thuận làm cơ sở cho đánh giá xã hội đối với đặc tính của sản phẩm cũng được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thực hiện.
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết, sau nhiều lần hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật Bản, đăng ký bảo hộ thành công cho thanh long Bình Thuận.
Theo ông Đinh Hữu Phí, khi được cấp bằng bảo hộ, thương hiệu của nông sản được bảo vệ khi sang thị trường nước ngoài. Những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường. Người dùng Nhật Bản ưa chuộng và tin tưởng những sản phẩm đã được Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đứng ra bảo đảm chất lượng.
“Đây là một mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này”, ông Phí nói.
Ông cũng lưu ý, đây chỉ là thành công bước đầu. Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ vẫn là thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Trong đó yếu tố quan trọng là người trồng cần nhận thức và tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật. Toàn bộ quy trình phải được thường xuyên giám sát.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…).
Hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được liên minh châu âu công nhận trong khuôn khổ các FTA. Trong số này có nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, hoa hồi Lạng Sơn, cafe Buôn Ma Thuột, vải thiều Bắc Giang, chè San tuyết Mộc Châu…
Như Quỳnh