Chiều 13/10, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.
Hội thảo có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 29 Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng một số bộ ngành và một số Bí thư tỉnh, thành ủy.
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đây là hội thảo nhằm triển khai, cụ thể hoá các kết luận rất quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 vừa qua.
Nội dung tập trung về một số vấn đề kinh tế-xã hội trên tinh thần mới, đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các chuyên gia tại hội thảo |
Đặc biệt, hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”.
Theo ông Thắng, đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch lần này là sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu.
Cụ thể là đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp.
Do vậy, khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết là vấn đề hết sức quan trọng để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển hiện nay.
Trong đó, mấu chốt quan trọng nhất là cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hoá và nông sản đến tay người tiêu dùng…
Đó cũng chính là chìa khóa để thực hiện sự chuyển hướng từ chiến lược “Không Covid” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 trên cơ sở thực hiện hiệu quả với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”.
Trọng tâm của chương trình là mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án và nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh.
Tiếp theo đó là chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội; hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Về giải pháp, ông Dũng cho biết, nhóm giải pháp quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó xác định mức bội chi, nợ công phù hợp cho giai đoạn phục hồi; mục tiêu lạm phát cho giai đoạn phục hồi…
Nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền, trong đó thống nhất quan điểm trong giai đoạn phục hồi là “sản xuất liên tục, lưu thông thông suốt, phục hồi sinh kế, an sinh bền vững” và “3 chủ động” nhà nước chủ động, doanh nghiệp chủ động, người dân chủ động phục hồi và phát triển.
Từ kinh nghiệm vượt qua đợt dịch vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nêu bật vai trò kết nối của các địa phương trong công tác phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế.
“Covid không phân biệt tỉnh nào nên công tác phòng chống dịch hỏi phải triển khai như một cơ thể thống nhất, không thể một địa phương riêng biệt làm được”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan dẫn chứng, tập đoàn Samsung có nhà máy chính ở Bắc Ninh nhưng các nhà cung ứng nằm trên địa bàn các địa phương lân cận. Vì vậy nếu họ có vấn đề gì thì nhà máy chính cũng không thể sản xuất được.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cũng đề nghị Chính phủ quan tâm giám sát để đảm bảo việc tuân thủ và tính thống nhất trong thực tiễn giữa các địa phương.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị sớm có kịch bản tổng thể phục hồi kinh tế thống nhất trong cả nước. Đặc biệt xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất. Đây là vấn đề doanh nghiệp thiết tha kiến nghị.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị tăng quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quốc gia cao hơn. Hiện nay tổng các gói hỗ trợ chỉ đạt 1,86% GDP thấp hơn các nước trong khu vực. Bên cạnh đó là quan tâm các chính sách tiếp cận tín dụng, khoanh nợ, giảm giãn nợ; miễn thuế thu nhập, giá trị gia tăng.
“Doanh nghiệp không cần nhiều chính sách, chính sách ít nhưng phải thiết thực, dễ tiếp cận. Doanh nghiệp cũng mong muốn ưu tiên tiêm vắc xin cho các KCN, KCX”, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói.
Ngoài ra, ông Triết cũng đề nghị có quy định chuẩn hóa, thống nhất trong lưu thông hàng hóa, logistics; chú trọng an sinh xã hội và quan tâm chế độ tiền lương cho cán bộ xã phường – những người trực tiếp phòng chống dịch.
Chiến lược chống dịch nhất quán với 3 trụ cột
Chia sẻ tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhấn mạnh: “Không có người nào, địa phương nào, quốc gia nào an toàn nếu người khác, địa phương khác, quốc gia khác vẫn đang chống dịch. Do đó, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19”.
Theo Thủ tướng, đây là cách tiếp cận quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế khi thời gian qua nền kinh tế các địa phương và cả nước bị tổn thương do kiểm soát dịch bệnh chưa tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Thủ tướng khẳng định, “công thức” chính để “thích ứng an toàn” trong thời gian tới vẫn là: “Thực hiện 5K, vắc xin, công nghệ, vai trò của người dân trong chống dịch và các biện pháp khác có thể áp dụng”.
Theo Thủ tướng, cần phải thay đổi quan điểm từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid”; từ quản lý “không Covid-19” sang quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong mà giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực y tế từ trung ương đến cơ sở, nhất là y tế cơ sở.
“Vừa qua, một số địa phương như TP.HCM có tỉ lệ tử vong cao là do người bệnh tiếp cận với các biện pháp y tế chậm. Y tế cơ sở không được phát huy”, Thủ tướng lưu ý phải làm sao để người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với các biện pháp y tế từ cơ sở.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để thực hiện lãnh đạo tập trung, thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp tình hình, phân cấp, phân quyền đi đôi với nguồn lực và công tác cán bộ, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu như thời gian vừa qua.
Đề cập đến phục hồi kinh tế, trong đó có vấn đề phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, dư địa cho các chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn còn nên Chính phủ sẽ nghiên cứu để điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết đang giao Bộ LĐ-TB-XH nhiệm vụ khôi phục lại thị trường lao động cùng với các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Chính phủ và địa phương và doanh nghiệp bàn để tìm biện pháp, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng khẳng định chiến lược chống dịch của Chính phủ nhất quán từ trước tới nay với 3 trụ cột: Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực.
Thu Hằng
Thích ứng an toàn với dịch: Mở cửa hàng quán, đi lại như thế nào?
Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với nhiều biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch.