Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách tiêm cho tất cả học sinh đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12 không phân biệt công lập và ngoài công lập, theo thứ tự ưu tiên tiêm chủng. Ngành giáo dục rà soát hiện trạng của từng trường học cùng Trung tâm Y tế trên địa bàn lựa chọn điểm tiêm phù hợp.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức lập danh sách tiêm cho nhóm trẻ có độ tuổi 12-17 không đi học hoặc học sinh đang học, đang nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm thuộc Sở quản lý.
Hiện, TP HCM đã tiêm một mũi cho hơn 99% và gần 77% mũi hai cho người trên 18 tuổi. Thành phố cũng đang có kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân các địa phương khác về lại thành phố, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn.
Bộ Y tế ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện cho trẻ 12-17 tuổi.
Bộ Y tế không nói rõ loại vaccine nào được phép tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Trên thế giới, hiện có vaccine của Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp dùng cho lứa tuổi này. Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp vaccine của hãng dược Zydus Cadila cho người từ 12 tuổi trở lên. Giới chức Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Sinovac cho trẻ 3-17 tuổi.
Trao đổi với báo chí chiều 13/10, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã đề nghị Cuba sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để thẩm định. Việt Nam cũng chủ trương mua vaccine để tiêm cho trẻ, cụ thể đã ký hợp đồng với Pfizer để mua thêm 20 triệu liều loại này. Tuy nhiên, số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp. Dù vậy, ngành y tế lên kế hoạch để tiêm chủng khi vaccine về đến Việt Nam.