Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho rằng trinh sát cơ WC-135 Mỹ có thể tới Biển Đông dò dấu vết phóng xạ sau vụ va chạm của tàu ngầm Connecticut.
Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, ngày 31/10 tuyên bố phát hiện máy bay WC-135 chuyên “đánh hơi hạt nhân” của Mỹ hoạt động tại Biển Đông, dựa trên ảnh vệ tinh mà họ xem xét.
SCSPI cho biết chiếc WC-135 bay cùng máy bay chỉ huy E-8C, hai máy bay tuần thám P-8A và một trinh sát cơ tác chiến điện tử EP-3E. “Rất hiếm khi WC-135 tới Biển Đông. Lần cuối máy bay này xuất hiện trong khu vực là vào tháng 1/2020”, SCSPI đăng trên trang WeChat.
Nhận định được đưa ra gần một tháng sau khi tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ “đâm vào núi ngầm ở Biển Đông chưa có trên hải đồ”, khiến 11 thủy thủ bị thương. Hải quân Mỹ khẳng định lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm Connecticut không bị ảnh hưởng sau sự cố.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ trích Mỹ “vô trách nhiệm” khi cung cấp ít thông tin về vụ tai nạn, đồng thời đòi Washington xác nhận “vụ tai nạn có gây ra rò rỉ hạt nhân làm ô nhiễm môi trường biển hay không”.
Chuyên gia quân sự Ridzwan Rahmat thuộc tạp chí tình báo quân sự Janes cho rằng Mỹ có thể triển khai WC-135 tới Biển Đông để kiểm tra dấu vết phóng xạ trên bầu trời. “Đây là biện pháp phòng ngừa của Mỹ nhằm xác định xem liệu vụ va chạm có làm rò rỉ phóng xạ hay không”, Rahmat nói.
Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự tại Hong Kong, đưa ra quan điểm giống Rahmat và nhận định vụ va chạm có thể “nghiêm trọng tới mức khiến Mỹ lo lắng và điều máy bay tới thu thập thông tin”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đưa ra giả thuyết rằng Mỹ có thể “nghi Trung Quốc thử hạt nhân dưới nước và điều máy bay tới để xác nhận”.
WC-135W Constant Phoenix, còn có biệt danh “máy bay đánh hơi hạt nhân”, được phát triển từ nền tảng vận tải cơ Boeing C-135, hai bên thân có khoang thu thập mẫu không khí, bộ lọc bên trong sẽ tách các phân tử phóng xạ để phân tích. Thiết bị trên WC-135W cho phép chuyên gia đo đạc dư lượng phóng xạ theo thời gian thực nhằm xác nhận sự xuất hiện của vụ nổ hạt nhân, cũng như thông tin cơ bản về đầu đạn.
Không quân Mỹ hiện chỉ còn một chiếc WC-135W trong biên chế được sản xuất từ thập niên 1960, sau khi loại bỏ một máy bay Constant Phoenix hồi năm ngoái. Phi cơ này từng quần thảo gần Triều Tiên sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Tàu ngầm Connecticut đã tự di chuyển trong trạng thái nổi về Guam sau vụ va chạm. Một chuyên gia nhận định sự cố có thể đã phá hỏng hệ thống thủy âm ở mũi tàu ngầm Connecticut, khiến chiến hạm trở nên mù và điếc dưới nước.
Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)