Trước khi thiệt mạng trong vụ cài bom ở Moskva, tướng Kirillov đã làm việc gần 40 năm trong lực lượng phòng hóa Nga, là gương mặt nổi bật cho chiến dịch tại Ukraine.
Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng Phòng hóa, sinh học, phóng xạ Nga (RKhBZ), cùng trợ lý là thiếu tá Ilya Polikarpov, hôm 17/12 thiệt mạng trong vụ nổ bom tại thủ đô Moskva.
Theo giới chức Nga, quả bom điều khiển từ xa được cài trong xe scooter điện đậu gần lối ra vào tòa nhà mà các nạn nhân đang rời khỏi. Hiện trường vụ đánh bom chỉ nằm cách Điện Kremlin khoảng 7 km.
Tướng Kirillov là sĩ quan quân đội Nga cấp cao nhất bị ám sát bên trong lãnh thổ nước này. Một số nguồn tin Ukraine giấu tên cho biết các điệp viên của họ chịu trách nhiệm cho vụ ám sát, song chính phủ Ukraine chưa bình luận về sự việc.
Dù vậy, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã lập tức lên án Kiev, khẳng định “giới lãnh đạo chính trị và quân sự Ukraine sẽ sớm phải đối mặt đòn đáp trả”, nhưng không nêu rõ cách thức trả đũa của Nga.
Cái chết của tướng Kirillov cũng đã tạo nên bầu không khí hoang mang ở Moskva, khiến người dân thủ đô Nga cảm nhận rõ hơn sức nóng của chiến sự ở Ukraine, đồng thời sẽ khiến Nga phải xem xét lại các biện pháp an ninh bảo vệ những quan chức quân sự cấp cao của mình.
Tướng Kirillov sinh ngày 13/7/1970 tại thành phố Kostroma, phía tây Nga. Ông nhập ngũ năm 1987 và 4 năm sau tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Sĩ quan Phòng hóa ở Kostroma.
Ông giữ các chức vụ chỉ huy khác nhau trong lực lượng phòng hóa, sinh học, phóng xạ tại Quân khu Moskva, trước khi được cử đi học tại Học viện Phòng hóa, sinh học, phóng xạ Nga năm 2005.
Từ năm 2009, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại Văn phòng Tổng tham mưu trưởng RKhBZ, rồi được bổ nhiệm làm giám đốc Học viện Phòng hóa, sinh học, phóng xạ Timoshenko vào năm 2014. Ba năm sau, ông được đề bạt làm tư lệnh RKhBZ và giữ chức vụ đến trước thời điểm bị ám sát.
Một ngày trước vụ nổ bom, chính phủ Ukraine tuyên bố tướng Kirillov là mục tiêu của một cuộc điều tra tội ác chiến tranh, cáo buộc ông chịu trách nhiệm cho “việc sử dụng vũ khí hóa học bị cấm” ở Ukraine. Cơ quan an ninh nước này cho biết quân đội Nga đã thả đạn có chứa hóa chất độc hại vào các vị trí của Ukraine trong nỗ lực buộc binh lính phải rời khỏi chiến hào.
Anh hồi tháng 10 áp đặt lệnh trừng phạt với Kirillov vì “phụ trách hoạt động triển khai vũ khí hóa học ở Ukraine”. Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường Ukraine.
Theo quân đội Nga, lực lượng do tướng Kirillov giám sát thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt như bảo vệ quân đội Nga trước nguy cơ từ vũ khí hóa học và hạt nhân, cũng như tấn công bằng vũ khí gây cháy.
Tướng Kirillov còn được ghi nhận là người góp công lớn trong việc phát triển hệ thống pháo nhiệt áp hạng nặng TOS-2 Tosochka của Nga, vũ khí có thể bắn trúng mục tiêu ở phạm vi hơn 10 km, khiến nó trở thành mối đe dọa đáng sợ trên chiến trường.
Kirillov cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để đưa ra các cáo buộc, luận điểm đáp trả Ukraine và phương Tây liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Năm 2023, ông nói rằng Mỹ có kế hoạch sử dụng UAV “được thiết kế để phát tán muỗi chứa mầm bệnh”, song không đưa ra bằng chứng.
Năm 2022, ông tuyên bố Ukraine có thể kích nổ một quả bom bẩn trộn vật liệu phóng xạ và lấy lý do rằng họ làm vậy để phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga, song Kiev phủ nhận. Đến nay, chưa có một vũ khí nào tương tự “bom bẩn” được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Tháng 3/2022, tướng Kirillov tổ chức họp báo, cáo buộc các phòng thí nghiệm tại Ukraine do quân đội Mỹ tài trợ “sản xuất thành phần vũ khí sinh học”. Ông nói có các tài liệu “có chữ ký của quan chức thật và con dấu chứng thực của tổ chức” để chứng minh cáo buộc, nhưng bị Mỹ và Ukraine bác bỏ.
Chính phủ Anh trong khi đó mô tả Kirillov là “người phát ngôn quan trọng” trong chiến dịch truyền bá thông tin của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine. London hồi tháng 10 áp lệnh trừng phạt Kirillov với cáo buộc “dùng vũ khí hóa học chống lại quân đội Ukraine”.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho rằng lực lượng Nga đã sử dụng vũ khí hóa học gần 5.000 lần trên chiến trường nước này, nhưng Kirillov bác bỏ. Tướng phòng hóa Nga hồi tháng 2 khẳng định Moskva đã phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học vào tháng 9/2017.
Sergey Sitnikov, tỉnh trưởng Kostroma và là bạn của tướng Kirillov, cho hay vài ngày trước khi bị ám sát, Kirillov đã đề cập đến việc “đang bị bên nào đó nhắm mục tiêu”. Sitnikov cho rằng điều này có thể liên quan đến việc công tố viên nhà nước Ukraine truy tố vắng mặt Kirillov với cáo buộc về vũ khí hóa học.
Đây không phải lần đầu tiên Ukraine bị cáo buộc đứng sau âm mưu ám sát trên lãnh thổ Nga.
Năm ngoái, một phụ nữ đã tiếp cận Vladlen Tatarsky, blogger chiến tranh nổi tiếng của Nga, tại quán cà phê ở St. Petersburg. Cô ta tặng ông bức tượng điêu khắc hình đầu một người lính, nhưng bức tượng sau đó phát nổ, giết chết Tatarsky và làm bị thương nhiều người khác.
Người phụ nữ bị kết án 27 năm tù, tuy nhiên, cô nói bản thân không biết mình đang tham gia vào một âm mưu ám sát mà chỉ nghĩ rằng tác phẩm điêu khắc có gắn micro để theo dõi các cuộc trò chuyện của Tatarsky.
Cô cho biết đã hành động theo lệnh của một người liên lạc ở Ukraine và bị gài bẫy, song Ukraine phủ nhận.
Theo tiến sĩ Jenny Mathers, chuyên gia về an ninh tại Đại học Aberystwyth, Australia, nếu Ukraine thực sự tiến hành vụ đánh bom khiến tướng Kirillov thiệt mạng, đây sẽ là đòn giáng mạnh khi Điện Kremlin đối diện với thực tế rằng các sát thủ nước ngoài hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước này và hạ sát mục tiêu cấp cao.
Tiến sĩ Mathers đánh giá cuộc tấn công còn đe dọa đến khả năng thể hiện sức mạnh cũng như hình ảnh của Điện Kremlin. “Họ chắc chắn sẽ phải rà soát lại quy trình an ninh, phát hiện những lỗ hổng đã khiến họ không thể bảo vệ một sĩ quan cấp cao như vậy trong lực lượng vũ trang?”, bà nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Moscow Times, Reuters, WSJ, ABC News)