Hiện, Bộ GD-ĐT đang dự thảo, lấy ý kiến dư luận để xây dựng thông tư mới về việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. “Vì sao học sinh vẫn cần phải học thêm?” là câu hỏi không ít người trăn trở, bởi mới đây, Bộ GD-ĐT đã xây dựng một chương trình phổ thông mới được giới thiệu định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh với nhiều ưu việt.
Trong vô vàn các ý kiến quan tâm của dư luận về vấn đề luôn được coi là “chủ đề nóng” này, một độc giả chia sẻ băn khoăn: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế để các trường dạy học 2 buổi/ngày, giờ Bộ GD-ĐT còn ‘bật đèn xanh’ cho dạy thêm, không chỉ ngoài mà trong trường học. Vậy phải chăng chương trình mới có vấn đề nên giáo viên vẫn phải dạy thêm, học sinh cần học thêm?”.
Về điều này, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình phổ thông 2018) thiết kế dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học. Chính vì vậy, trong trường tiểu học thì không thể tổ chức dạy thêm, học thêm. Còn đối với cấp THCS và THPT, chương trình đang thiết kế học 1 buổi/ngày, bởi cơ sở vật chất và điều kiện hiện nay chưa thể đảm bảo. Cụ thể, hiện chưa đáp ứng được tỷ lệ trung bình mỗi lớp 1 phòng học.
“Phải khẳng định với thời lượng học tập như thế trên trường, bắt buộc phải đáp ứng đủ những nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình đối với học sinh. Tức là bản chất, không cần đi học thêm, học sinh cũng được đảm bảo thụ hưởng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Trường nào không đảm bảo điều này thì trường đó không hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi học sinh đã học và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình phổ thông 2018 nhưng có nhu cầu học tập thêm ở trong và ngoài nhà trường để nâng cao năng lực ở một số môn học lại là câu chuyện khác. Việc này là nhu cầu có thực, chính đáng và Bộ GD-ĐT ra quy định để quản lý những việc đó. Tức là việc học thêm, nếu có, không phải nhằm mục tiêu để đạt được yêu cầu của chương trình”, ông Thành nói.
Do đó, theo ông Thành, việc học thêm là sự tự nguyện của người dân.
“Trường nào tổ chức dạy thêm, học thêm, phải nói rõ lý do, mục tiêu hướng đến là gì. Như vậy, lý do không thể là để đảm bảo đạt mục tiêu của chương trình phổ thông”, ông Thành nói.
Trước lo ngại của phụ huynh khi trường tổ chức học thêm dù có lý do chính đáng, đúng mục tiêu, nhưng vô tình khiến học sinh quá tải, ông Thành cho hay:
“Việc này cha mẹ học sinh phải tính toán. Việc học thêm với bản chất không nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mà nhằm phát triển hơn về năng lực của con em có lẽ nếu cần cũng chỉ 1-2 môn. Bộ GD-ĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo việc này nếu có diễn ra thì được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không phải là khuyến khích học sinh phải đi học thêm”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng khuyên phụ huynh không cần ôm đồm cho con học thêm quá nhiều. “Các bậc phụ huynh cần xem xét con mình có hứng thú, sở trường về lĩnh vực gì, chứ không thể thích mọi thứ, mọi môn. Bộ GD-ĐT dự thảo quy định để hướng tới việc tự nguyện, đúng mong muốn thực sự của học sinh. Nhưng kể cả có nhu cầu thực sự, phụ huynh và học sinh cũng không nên mong muốn nhiều thứ quá. Việc đăng ký học thêm quá nhiều hoàn toàn không cần thiết và các con cũng không đủ sức để học. Điều quan trọng nhất là phải có thời gian để học sinh ‘tiêu hóa’ được khối lượng kiến thức, phát triển được năng lực. Việc cho con học nhiều, không ‘tiêu hóa’ được vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa tác dụng ngược việc học”, ông Thành đưa lời khuyên.
Theo ông Thành, chương trình phổ thông 2018 được thiết kế nhằm hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Theo đó, kiến thức mới chỉ là điều kiện cần, là nguyên liệu và phải được vận dụng, thực hành mới trở thành năng lực của học sinh.
Ông Thành cũng muốn nhắn nhủ thông điệp tới các phụ huynh: “Cha mẹ học sinh phổ thông bây giờ hầu hết là công dân thế hệ mới, sống trong thời đại mới với môi trường công nghệ. Vì vậy cần nhận thức và đủ sự tự tin, bản lĩnh để quyết định con mình cần và có xu hướng về điều gì thì học thêm cái đó mà thôi. Đừng hoang mang khi thấy con người ta đi học thêm môn này môn kia rồi đăng ký theo.
Sự phân công lao động trong xã hội là rất rõ ràng và nếu đánh giá đúng năng lực của con mình để chọn hướng đi phù hợp mới là lý tưởng của mỗi gia đình. Cái gì cũng muốn con giỏi như những thế mạnh của tất cả các bạn khác, rồi đăng ký học thêm cho bằng được thì chỉ làm hại chính con mình. Cần chọn hướng nào mà con mình có lợi thế nhất”.
Sửa quy định để tránh học sinh bị ép học thêm, không cấm dạy thêm chính đáng
Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay việc xây dựng dự thảo mới về quản lý dạy thêm, học thêm nhằm hướng đến khắc phục những hiện tượng tiêu cực, ép học sinh học thêm chứ không cấm những nhu cầu thực tế, chính đáng.
Dạy thêm: Quản, nới hay cấm?
Một số thay đổi về quy định dạy thêm do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra đã thu hút dư luận và tạo nên nhiều luồng ý kiến. Không ít người phản đối việc này nhưng cũng có quan điểm cho rằng đó là nhu cầu chính đáng, cấm cũng không được.