Dù Israel và Hezbollah đều muốn tránh kịch bản xung đột toàn diện, vụ tập kích rocket khiến 12 trẻ thiệt mạng có thể thổi bùng cuộc chiến tổng lực.
Hồi tháng 5, Amos Hochstein, đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phụ trách giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah, bày tỏ lo ngại về nguy cơ chiến tranh bùng phát vượt tầm kiểm soát ở khu vực.
“Điều tôi lo lắng mỗi ngày là xảy ra sự cố hoặc tính toán sai lầm. Một đòn tập kích trúng chiếc xe buýt chở trẻ em hay mục tiêu dân sự khác có thể buộc hệ thống chính trị của một trong hai bên phải trả đũa theo cách sẽ cuốn chúng ta vào vòng xoáy chiến tranh. Điều đó có thể xảy ra ngay cả khi hai đều hiểu rằng chiến tranh toàn diện hoặc quy mô lớn hơn không có lợi cho bất kỳ ai”, Hochstein nói.
Sự cố mà ông Hochstein lo ngại đã xảy ra. Ngày 27/7, lực lượng Hezbollah thông báo tiến hành cuộc tập kích bằng rocket Falaq-1 vào mục tiêu quân sự Israel gần thị trấn Majdal Shams trên Cao nguyên Golan.
Israel sau đó thông báo quả rocket do Hezbollah phóng lên từ Shebaa, miền nam Lebanon, đã lao xuống sân bóng ở thị trấn Majdal Shams, khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Hezbollah phủ nhận, nói rằng họ không liên quan đến sự việc. Một số trang truyền thông thân Hezbollah cho rằng tên lửa đánh chặn từ hệ thống Vòm Sắt của Israel đã trượt mục tiêu và lao xuống sân bóng. Tuy nhiên, Mỹ, đồng minh của Israel, bác bỏ thông tin này, cho hay cuộc tấn công do nhóm Hezbollah thực hiện. “Đó là rocket của họ và được phóng từ khu vực mà họ kiểm soát”, Nhà Trắng tuyên bố.
Riad Kahwaji, giám đốc Viện Phân tích Quân sự Vùng Vịnh và Cận Đông, cho rằng căn cứ quân sự của Israel mà Hezbollah nhắm bắn nằm cách thị trấn Majdal Shams khoảng 2,4 km, khiến sân bóng có thể trúng đạn do sai số của rocket.
Quân đội Israel tuyên bố đáp trả quyết liệt, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ khiến Hezbollah phải “trả giá đắt chưa từng thấy”. Nội các an ninh Israel cũng đã ủy quyền cho Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng quyết định thời gian, cách thức đáp trả.
Iran, bên hậu thuẫn lớn nhất của Hezbollah, cảnh báo Israel rằng “bất kỳ hành động quân sự mạo hiểm” nào ở Lebanon đều có thể dẫn tới “hậu quả không thể lường trước”. Những bình luận của hai bên khiến nhiều người lo ngại nguy cơ chiến tranh toàn diện mà ông Hochstein cảnh báo sẽ xảy ra.
“Chúng ta đang tiến sát bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện chống Hezbollah”, Ngoại trưởng Israel Israel Katz nói tối 27/7.
“Chúng tôi đã chán ngấy với những lời hùng biện rỗng tuếch kèm theo hành động yếu ớt. Cách duy nhất để ngăn chặn tất cả những điều này, ngăn chặn kẻ thù tấn công chúng ta là đánh trả. Không còn cách nào khác”, cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett nói.
Suốt nhiều tháng qua, cộng đồng quốc tế đã cố tìm cách giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah. Nhóm vũ trang Hezbollah được xem là lực lượng mạnh nhất mà Iran hậu thuẫn, sở hữu khoảng150.000 tên lửa và rocket, khiến nhiều người lo ngại cuộc chiến toàn diện nếu nổ ra sẽ tàn phá Lebanon và gây thiệt hại nghiêm trọng cho Israel.
Aaron David Miller, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, cảnh báo tình hình hiện nay “có khả năng tạo ra tình huống mà chúng ta chưa từng thấy trong khu vực: cuộc chiến lớn có thể kéo cả vùng Vịnh vào vòng xoáy”. Miller thêm rằng xung đột giữa Israel và Hezbollah có thể dẫn tới cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran.
Tuy nhiên, trong 10 tháng qua, mỗi khi cận kề bờ vực chiến tranh, Israel, Hezbollah và Iran luôn có “bước lùi chiến thuật”. Hồi tháng 1, Israel hạ sát một lãnh đạo cấp cao của Hamas ở Beirut, song căng thẳng không dẫn tới chiến tranh toàn diện.
Israel hồi tháng 4 tiến hành cuộc không kích vào tòa lãnh sự Iran ở Damascus, Syria, khiến chỉ huy hàng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng. Iran sau đó tiến hành cuộc tập kích tên lửa và UAV chưa từng có vào Israel, nhưng đã lựa chọn mục tiêu trên sa mạc để hai bên không leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Giới phân tích cho rằng hiện trạng này khó có thể tiếp tục. Hàng chục nghìn người Israel đã phải rời bỏ nhà cửa. Những vùng đất rộng lớn ở miền bắc Israel giáp Lebanon giờ như những thị trấn ma. Cảnh tượng tương tự cũng xuất hiện dọc biên giới miền nam Lebanon.
Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah đã bùng nổ sau khi Israel mở chiến dịch tấn công Hamas ở Gaza từ tháng 10/2023. Tuyên bố đoàn kết với người Palestine, Hezbollah đã nã pháo và rocket vào các địa điểm ở biên giới phía bắc Israel và Cao nguyên Golan, nơi Tel Aviv kiểm soát sau cuộc chiến năm 1967 và sáp nhập năm 1981.
Israel cũng tiến hành các cuộc tập kích đáp trả vào miền nam Lebanon và sâu hơn trong lãnh thổ nước láng giềng. Các cuộc đáp trả của Israel đến nay đã khiến hơn 450 người thiệt mạng ở Lebanon, trong đó có khoảng 100 dân thường. Israel cũng ghi nhận khoảng 40 người thiệt mạng vì giao tranh qua biên giới.
Nhưng câu hỏi đặt ra hiện tại là Israel sẽ đi bao xa để đáp trả cuộc tập kích ở sân bóng. Tel Aviv mô tả đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất nhắm vào dân thường sau cuộc tập kích của Hamas hồi tháng 10/2023.
Esther Parpara, nhân viên Đại học Haifa cách biên giới Israel – Lebanon chưa đầy 50 km, ngày càng lo ngại sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng Hezbollah.
“Trong cuộc chiến gần nhất với Hezbollah năm 2006, vũ khí của họ đã chạm tới Haifa. Đây là thời điểm rất nguy hiểm. Tôi đang tránh những nơi đông người. Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng Hezbollah muốn tiêu diệt người Israel. Làm sao chúng tôi có thể để họ làm điều đó mà không tự vệ?”, Parpara nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Israel có quyền bảo vệ công dân và Washington quyết tâm đảm bảo Tel Aviv có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng “chúng tôi không muốn thấy xung đột leo thang và lan rộng”. Ông cho rằng cách tốt nhất để tránh chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah là đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Israel muốn loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ Hezbollah và đẩy lùi lực lượng này về bờ bắc sông Litani, theo ranh giới quy định trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chấm dứt cuộc chiến năm 2006.
“Nếu thế giới không đẩy được Hezbollah khỏi biên giới, Israel sẽ làm điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái.
Bất chấp các cảnh báo mang tính đe dọa của Israel, Randa Slim, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, cho rằng nguy cơ chiến tranh toàn diện khó xảy ra trong tương lai gần, khi cả hai bên đều không muốn kịch bản này.
“Tôi không nghĩ Thủ tướng Israel lúc này muốn chiến tranh toàn diện, vì nó kéo theo những hậu quả không thể đoán định và kiểm soát. Và một khi leo thang, nó cũng sẽ kéo theo Iran vào cuộc”, bà nói.
Tuy nhiên, Mark Lowen, nhà phân tích của BBC, có nhận định khác. Ông cho rằng Thủ tướng Netanyahu, người đang chứng kiến mức tín nhiệm trong nước suy giảm vì chiến sự kéo dài ở Gaza, có thể đặt cược bằng cách mở rộng cuộc chiến sang Lebanon để theo đuổi mục tiêu chính trị trong nước.
Đặc phái viên Hochstein từng đưa ra cảnh báo tương tự. “Các cuộc chiến trong lịch sử bắt đầu ngay cả khi các lãnh đạo không muốn, bởi họ không còn lựa chọn khác”, ông nói.
Thùy Lâm (Theo CNN, BBC, Al Jazeera)