Trong kỷ nguyên công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ những giao dịch truyền thống, tập trung vào sức người và vận hành dựa trên những thủ tục giấy tờ, ngành ngân hàng đã chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự, thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động và tương tác với khách hàng.
Lấy việc hiểu nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng trong kỷ nguyên mới làm động lực, đưa công nghệ đóng vai trò chất xúc tác để hình thành các kênh giao tiếp số là cách mà các ngân hàng đang chuyển mình để bắt nhịp với thời cuộc.
Là một trong những ngân hàng TMCP năng động tại Việt Nam, với những nội lực sẵn có cùng quyết tâm mang đến những giá trị thực cho khách hàng, KienlongBank đã quyết liệt chuyển đổi từ năm 2021, và bứt phá ngoạn mục trên con đường trở thành một ngân hàng số hiện đại và toàn diện vào năm 2025. Một trong những yếu tố tạo sự khác biệt, mang lại những dấu ấn số tại KienlongBank giai đoạn 2021 – 2025 đó là tinh thần tự chủ công nghệ, làm chủ các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi.
KienlongBank phiên bản số 2025 đã và đang tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm cũng như gia tăng giá trị thặng dư cho khách hàng thông qua một hệ sinh thái toàn năng với các sản phẩm dịch vụ số. Mỗi sản phẩm như ứng dụng Mobile Banking thế hệ mới KienlongBank Plus; bộ giải pháp quản lý tài chính cửa hàng MyShop & Paybox; bộ giải pháp quản lý tài chính cho doanh nghiệp KienlongBank Pay; và gần đây nhất là mô hình ngân hàng không ngủ với sự hiện diện của các X-Digi Booth trên toàn quốc,… đều là những mảnh ghép được tinh chỉnh để dễ tiếp cận và bao phủ toàn bộ nhu cầu của khách hàng.
KienlongBank vận động không ngừng trong hoạt động số hoá nội tại. Với tư duy linh hoạt, chủ động thích nghi thông qua việc tối ưu hóa quy trình, hoạt động vận hành; đào tạo nguồn nhân lực 4.0 để phù hợp với chiến lược văn hoá số; đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, KienlongBank đang từng bước kiến tạo một nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững.
Những giải pháp quyết liệt, đúng thời điểm đã giúp KienlongBank phá bỏ rào cản về cả không gian và thời gian, đưa các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, qua đó gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Chỉ sau 5 năm, tổng tài sản Ngân hàng đã tăng hơn 80%, đạt 92.176 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 7 lần so với giai đoạn 2019 – 2020. Đáng chú ý, với hơn 95% số lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số, KienlongBank lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.110 tỷ đồng, đạt 139% kế hoạch năm 2024.
Và đứng trước biến động vĩ mô toàn cầu, cùng với sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), KienlongBank hiểu rằng, ngân hàng số đóng vai trò là “bệ phóng”, là điểm khởi đầu cho một hành trình xa hơn: Hành trình tiến tới ngân hàng AI.
Khách hàng ngày nay không chỉ muốn tiện lợi mà còn đòi hỏi sự thông minh và an toàn. Và việc ứng dụng AI không chỉ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng mà còn là chìa khoá để tăng lợi thế cạnh tranh.
Viết tiếp chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 – 2025 cùng ba trụ cột, động lực chính Chuyển đổi về công nghệ; Chuyển đổi mô hình quản trị; Chuyển đổi về con người, Hội đồng quản trị và Ban điều hành KienlongBank đã hoạch định chiến lược phát triển hướng tới việc tiên phong và vươn mình thành ngân hàng AI trong giai đoạn mới 2025 – 2030.
Dựa trên những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề kiểm soát an toàn thông tin, quản trị rủi ro liên quan đến AI, đồng thời xác định rõ ưu tiên triển khai, KienlongBank đã xây dựng một chiến lược AI thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống. Đây sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trong cách KienlongBank định nghĩa sâu hơn về các dịch vụ tài chính và cách thức giao tiếp với khách hàng.
Ngân hàng là ngành có mức độ trưởng thành cao về công nghệ, hầu hết các vị trí đều có thể ứng dụng AI vào công việc hàng ngày. AI không chỉ tự động hóa tác vụ lặp lại mà còn phân tích dữ liệu, giúp ra quyết định nhanh chóng, tạo ra các sản phẩm dịch vụ vượt xa kỳ vọng, nâng cao hiệu suất làm việc vượt trội.
Không chỉ dừng lại ở việc xử lý dữ liệu, AI còn hỗ trợ trực tiếp nhân viên thông qua các công cụ như chatbot nội bộ, trợ lý ảo thông minh. Một trợ lý AI có thể cung cấp thông tin về chính sách, hướng dẫn quy trình hoặc hỗ trợ nhân viên tra cứu dữ liệu khách hàng một cách nhanh chóng. Điều này không chỉ giảm thời gian đào tạo mà còn đảm bảo tính nhất quán và tuân thủ trong việc áp dụng các quy trình nội bộ.