Chủ Nhật, ngày 03/10/2021 14:26 PM (GMT+7)
Theo DKRA, ở phân khúc đất nền và căn hộ tại thị trường BĐS Tp.HCM xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ, giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn.
Tại buổi họp Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ông Võ Hồng Thắng – Trưởng phòng R&D, Công ty DKRA Việt Nam chia sẻ về thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Thắng cho hay: “Với thị trường đất nền, trong quý III, khu vực này có 2 dự án được mở bán mới, nguồn cung giảm lớn, chỉ bằng 4% so với quý II và tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 24%, bằng 1,5% so với quý trước. Đây là dự án mới và có quy mô từ 2 ha trở lên, không bao gồm các dự án phân lô lẻ hoặc tách thửa theo kiểu cá nhân”.
Ông Võ Hồng Thắng – Trưởng phòng R&D, Công ty DKRA Việt Nam.
Nguồn cung mới trong quý III ghi nhận tại Long An chiếm 91% và Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19%. Những thị trường như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai không ghi nhận nguồn cung đất nền mới mở bán trong quý III.
Ông Thắng cho rằng, sức cầu chung của toàn thị trường khu vực này giảm rất lớn do trong quý III do các tỉnh phía Nam siết chặt biện pháp cách ly toàn xã hội.
Đáng chú ý, thanh khoản từ thị trường thứ cấp ở mức rất thấp, có xu hướng giảm giá cục bộ tại một số dự án và khu vực từ một bộ phận khách hàng do họ phải chịu áp lực tài chính từ nguồn lãi vay nên chấp nhận bán “cắt lỗ” để thanh khoản thu hồi vốn.
Còn đối với phân khúc căn hộ, trong quý III, khu vực này có 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 3.516 căn. Nguồn cung này bằng 88% so với quý II và tỉ lệ tiêu thụ khoảng 77% – tương đương 2.724 căn, bằng 84% so với quý II.
Mặc dù phân khúc đất nền có sự sụt giảm trong quý III nhưng với phân khúc căn hộ thì cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ đều không giảm lớn so với quý II.
“Đây cũng là tín hiệu duy trì sự tích cực cho thị trường bất động sản khu vực này”, ông Thắng chia sẻ.
Nguồn cung căn hộ vẫn tiếp tục tập trung tại 2 thị trường chính là Bình Dương và Tp.HCM, lần lượt chiếm 25% và 64% tổng lượng cung mới toàn thị trường.
Và ở phân khúc này, thị trường Tp.HCM và vùng phụ cận vẫn chủ yếu tập trung hạng A và B; trong đó, hạng A chiếm 51% với hơn 1.800 căn, hạng B là 39% với khoảng 1.358 và hạng C chỉ 10% với 349 căn. Trong quý vừa qua, không ghi nhận việc mở bán căn hộ hạng sang.
Đưa ra nhận xét về phân khúc căn hộ, ông Thắng cho hay: “Nguồn cung và tiêu thụ giảm so với quý trước. Tp.HCM và Bình Dương tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, chiếm 89% nguồn cung – lượng tiêu thụ mới trong quý. Long An ra mắt căn hộ phân khúc giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn, thu hút sự quan tâm của thị trường.
Các hình thức mở bán, ráp căn online được nhiều chủ đầu tư và sàn môi giới áp dụng trong đợt giãn cách xã hội tại các tỉnh thành phía Nam. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp giảm mạnh. Cục bộ thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ/giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn”.
Tuy nhiên, điểm sáng của phân khúc này là những dự án được phát triển bới các chủ đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, sở hữu pháp lý hoàn thiện… vẫn tiếp tục thu hút tốt sự quan tâm của người mua
Với phân khúc nhà phố/biệt thự, trong quý III ghi nhận 5 dự án mở bán cung cấp thị trường 469 căn, nguồn cung bằng 13% so với quý II và lượng tiêu thụ 237 căn bằng 17% so với quý trước.
Nguồn cung phân khúc này tập trung chủ yếu ở thị trường Đồng Nai (cung cấp 424 căn, tương đương 90% nguồn cung mới toàn thị trường), Bình Dương (36 căn) và Tp.HCM (9 căn). Riêng với thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An không ghi nhận sự kiện mở bán trong quý III.
Đánh giá về phân khúc nhà phố/biệt thự, ông Thắng cho biết: “Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới sụt giảm mạnh so với quý trước. Nguồn cung mới trong quý tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, những thị trường lại gần như không có nguồn cung mới. Hình thức bán hàng online được áp dụng mạnh mẽ tuy nhiên không hiệu quả như kênh bán hàng truyền thống. Thị trường thứ cấp gần như “ngủ đông”, thanh khoản thị trường thấp khi thành phố và các tỉnh giáp ranh siết chặt lệnh giãn cách xã hội”.
Nhận định về thị trường BĐS Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký VARS cho rằng: Điểm sáng ở đây là giao dịch với số lượng ấn tượng trên 2.700 giao dịch ở Tp.HCM và tỉnh lân cận. Tỉ lệ hấp thụ đạt gần 80%.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý, con số ông Thắng vừa nêu trên là con số nguồn cung chào bán trong quý III còn với nguồn hàng tồn chưa chào bán không tính vào số liệu này. Cho nên, dẫn đến Tp.HCM có tỷ lệ hấp thụ đạt cao nhưng nếu đưa nguồn cung toàn thị trường đang còn tồn vào thì tỷ lệ hấp thụ sẽ bị điều chỉnh theo hướng giảm đi.
Bên cạnh đó, phân khúc đất nền ở Tp.HCM đang suy yếu do chính sách tách thửa làm nguồn cung giảm đi.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-bds-tp-hcm-xuat-hien-tinh-trang-cat-lo-thu-hoi-von-a529402…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đặc biệt…