Nhiều nhà máy với gần 70.000 lao động ở Tiền Giang không thể quay lại sản xuất do chính quyền tỉnh vẫn bắt thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến”.
Trong thư cầu cứu gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 19/10, các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trình bày từ 15/7 đến nay, đa số doanh nghiệp ở Tiền Giang ngừng sản xuất để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Hiện hơn 80% người lao động của các nhà máy đã tiêm mũi một vaccine Covid-19 đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay lại phân xưởng. Bởi quan điểm của chính quyền tỉnh, “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, chỉ khi nào 100% lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày, doanh nghiệp mới có thể hoạt động trở lại.
Trước những khó khăn phải dừng sản xuất kéo dài, hôm 1/10 các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, song đến nay chưa nhận được phản hồi, tình hình không thay đổi. Chính quyền vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường – 2 điểm đến” làm trọng tâm. Việc này gây không ít khó khăn cho người lao động và lãng phí tài chính của doanh nghiệp.
Một trong 19 nhà máy kêu cứu cho biết mô hình “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến” chỉ phù hợp những nhà máy ít công nhân, những doanh nghiệp lên đến hàng nghìn lao động là rất khó. Hơn 3 tháng dừng hoạt động, dù khó khăn công ty vẫn duy trì lương cho lao động nhưng đến nay rất khó gồng gánh tiếp. 85% đơn hàng đã bị khách hàng chuyển sang nước khác, hiện chỉ còn một số ít đang sản xuất dang dở từ trước dịch. Đại diện doanh nghiệp cho rằng hàng may mặc, giày da để lâu sẽ không phù hợp với xu hướng thị trường nên buộc các nhà máy phải sớm quay lại sản xuất.
“Chúng tôi không kỳ vọng được hoạt động lại 100% mà có thể mở cửa dần theo lộ trình giống cách làm của TP HCM”, đại diện nhà máy này chia sẻ và cho rằng việc doanh nghiệp tái hoạt động còn là tín hiệu phục hồi, tạo niềm tin cho đối tác. Hiện, 30% lao động của đơn vị đã tiêm đủ 2 liều vaccine và 80% hoàn thành mũi một nên sẵn sàng quay lại sản xuất.
Để cứu những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng mua nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng, 19 doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng xem xét 5 vấn đề, gồm:
Thứ nhất, không bắt buộc nhà máy sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 địa điểm”.
Thứ hai, cho người lao động đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp – trung bình – cao) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được dùng xe cá nhân và xe đưa đón để quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch tại đơn vị.
Thứ ba, không giới hạn thời gian được ra ngoài với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Hiện tỉnh Tiền Giang yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h hôm sau.
Thứ tư, cho phép doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động vào ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ năm, cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.
Trả lời VnExpress tối 20/10, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã nắm được các vấn đề của doanh nghiệp và sẽ sớm tổ chức họp báo trả lời rõ.
Trước đó vào ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo dừng hoạt động 9 khu, cụm công nghiệp từ ngày 5/8 để ngăn ngừa dịch lây lan. Quyết định đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đã có thư cầu cứu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
Ngày 11/10, Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, trong đó quy định về xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4.
Hiện, Tiền Giang ban hành kế hoạch thích ứng, kiểm soát dịch ở cấp độ 2 – nguy cơ trung bình trên toàn tỉnh. Từ đầu tháng 10, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động bình thường, người dân đi lại tự do trong tỉnh.
Lê Tuyết